Học giả thế giới lên án Trung Quốc tại hội thảo Biển Đông ở Nga

22/03/2016 10:16:25

Học viện Tư pháp Liên bang Nga hôm qua tổ chức một phiên hội thảo bàn về những động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cùng những chiến lược để đối phó với chúng.

Học viện Tư pháp Liên bang Nga hôm qua tổ chức một phiên hội thảo bàn về những động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cùng những chiến lược để đối phó với chúng.

Một số học giả, chuyên gia có mặt tại hội  thảo. Ảnh: Minh Đức

 
Hội thảo về Biển Đông mang tên "Tranh chấp lãnh thổ và luật hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa" diễn ra tại Học viện Tư pháp Liên bang Nga, trực thuộc Tòa án Tối cao. Các chuyên gia của Nga và quốc tế tham gia sự kiện với nhiều thuyết trình về vấn đề Biển Đông cùng những tranh chấp trong khu vực, đe dọa an ninh, hòa bình thế giới.
 
Hội thảo tập trung nêu những diễn biến mới nhất liên quan tới các hoạt động phi pháp của Trung Quốc như xây dựng đường băng, tổ chức bay thử nghiệm, lắp đặt hệ thống tên lửa đất đối không trên một số đảo tranh chấp…, đồng thời dự báo những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông và khuyến nghị biện pháp giải quyết vấn đề này.
 
Tiến sỹ I.A. Umnova, trưởng ban nghiên cứu hiến pháp và pháp luật thuộc Học viện Tư pháp Liên bang Nga, nhấn mạnh tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
 
Bà khuyến nghị một số cơ chế pháp lý cụ thể để giải quyết vấn đề, trong đó có việc đệ đơn lên Tòa án Quốc tế Liên Hợp Quốc, Tòa án công minh khu vực ASEAN, Tòa án Tối cao Ontario (SCO), Canada.... Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất các giải pháp pháp lý mang tính nguyên tắc về đảm bảo hòa bình và an ninh tại Biển Đông như việc các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông và xa hơn nữa là Hiệp ước trung lập tại Biển Đông.
 
Trong khi đó, tiến sĩ G.M. Lokshin từ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lên tiếng phê phán Trung Quốc sử dụng những biện pháp thô bạo chống lại ngư dân Việt Nam, cũng như việc một loạt lãnh đạo Trung Quốc, nhất là giới quân sự, có những tuyên bố thù địch đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
 

Các hình ảnh, tài liệu về hành động bồi đắp trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Minh Đức

 
Tiến sỹ M.E. Trigubenko, chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á, lại phân tích rõ ý đồ của Trung Quốc khi đẩy mạnh chiếm đóng trái phép các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông thời gian gần đây.
 
Bà dẫn lời giáo sư sử học, nhà nghiên cứu Việt Nam Vladimir Kolotov cho rằng phương pháp mà Trung Quốc sử dụng trong lấn chiếm lãnh thổ tại Biển Đông là một chiến thuật truyền thống của nước này.
 
Tiến sĩ V. Mosyakov, phó giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bày tỏ lo ngại trước động thái xây dựng, cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc. Theo ông, Bắc Kinh có thể biến các đảo này thành căn cứ quân sự và đây là mối đe dọa bùng nổ xung đột trong khu vực.
 
Tác giả A. Svetov, chuyên gia phụ trách quan hệ với truyền thông và các tổ chức của chính phủ thuộc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, lại làm rõ sự mất niềm tin của các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc. Ông cho rằng Trung Quốc không sẵn sàng tiếp nhận những nước này một cách bình đẳng, vì thế các quốc gia Đông Nam Á không thể hy vọng Bắc Kinh sẽ tôn trọng lợi ích của họ.
 
Từ những phân tích về hậu quả nghiêm trọng và nguy cơ bùng phát xung đột tại Biển Đông do những hành động phi pháp của Trung Quốc, các diễn giả đều cho rằng biện pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp là thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoài ra, các nước ASEAN cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông để làm cơ sở pháp lý mang tính nguyên tắc nhằm giải quyết tranh chấp.
 
Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật