Học giả hàng đầu Đại học Cambridge ‘nhận vơ’ công trình nghiên cứu của học trò

09/02/2025 10:06:28

Theo bằng chứng được đưa ra tại tòa, một học giả cấp cao tại Đại học Cambridge đã đạo văn công trình của nghiên cứu sinh tiến sĩ do mình hướng dẫn.

Một học giả cấp cao của Đại học Cambridge đã đạo văn công trình của một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trẻ, theo thông tin từ phiên tòa xét xử gần đây.

The Telegraph tiết lộ vào tháng 9 năm ngoái, Tiến sĩ Magdalen Connolly, một cựu sinh viên Đại học Cambridge (Anh) đã kiện trường cũ lên hội đồng xét xử tranh chấp lao động vì cách trường này xử lý cáo buộc đạo văn.

Tiến sĩ Connolly khẳng định rằng, lập luận trong nghiên cứu sau đại học của mình đã bị Wagner - một học giả Cambridge, người từng được chỉ định làm cố vấn cho cô - đạo văn.

Học giả hàng đầu Đại học Cambridge ‘nhận vơ’ công trình nghiên cứu của học trò
Tiến sĩ Esther-Miriam Wagner, một học giả Cambridge, bị cáo buộc đạo văn. Ảnh: The Telegraph

Các chi tiết được tiết lộ tại phiên tòa Tiến sĩ Connolly khởi kiện Đại học Cambridge cáo buộc rằng cô là nạn nhân của phân biệt tuổi tác khi ban lãnh đạo trường thiên vị học giả cấp cao hơn.

Tiến sĩ Wagner, 50 tuổi, là giám đốc điều hành của Viện Woolf - tổ chức nghiên cứu về quan hệ liên tôn giáo - và là thành viên của Trường St Edmund's College, Cambridge. Trong khi đó, Tiến sĩ Connolly, được cho là ở độ tuổi 30, lập luận rằng cô đã bị "đối xử khác biệt" so với Tiến sĩ Wagner trong quá trình điều tra và bị làm cho cảm thấy mình là "người sai trái".

Cô cho rằng việc Cambridge không xem xét nghiêm túc vụ việc của mình đồng nghĩa với việc trường đại học đã "dung túng cho hành vi đạo văn và bắt nạt từ các nhân viên cấp cao đối với nhân viên trẻ và sinh viên".

Công nhận hành vi đạo văn nhưng phản bác việc "phân biệt tuổi tác"

Thẩm phán xét xử vụ việc này, Kate Hutchings, đã bác bỏ đơn kiện, cho rằng mặc dù cuộc điều tra diễn ra "chậm chạp", nhưng tiến sĩ Connolly cũng phần nào chịu trách nhiệm do cô đã đưa ra các khiếu nại liên tục và kéo dài. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy yếu tố tuổi tác đóng vai trò trong vụ việc.

Tuy nhiên, phán quyết của bà tiết lộ rằng một báo cáo nội bộ của Đại học Cambridge hồi tháng 7/2024 đã công nhận cáo buộc đạo văn đối với Tiến sĩ Wagner, người hiện vẫn tiếp tục làm việc tại trường này.

Tiến sĩ Wagner là một học giả giàu kinh nghiệm, đã tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành ngôn ngữ Semit, nghiên cứu Hồi giáo và nghiên cứu Ấn-Âu tại Đại học Friedrich Schiller ở Jena, Đức.

Theo Daily Mail, thẩm phán Kate Hutchings tuyên bố: “Không nghi ngờ gì, cuộc điều tra về hành vi đạo văn diễn ra chậm chạp. Cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm về điều này…”.

Tuy nhiên, bà bổ sung: “Chúng tôi nhận thấy Tiến sĩ Connolly chưa đưa ra được bất kỳ yếu tố nào (ngoài tuổi tác) hoặc bằng chứng cụ thể để có thể kết luận rằng lý do cô bị đối xử như vậy là do tuổi tác. Một người khiếu nại về hành vi đạo văn ở độ tuổi khác cũng sẽ không được đối xử khác biệt”.

Học giả hàng đầu Đại học Cambridge ‘nhận vơ’ công trình nghiên cứu của học trò - 1
Tiến sĩ Magdalen Connolly nói rằng cô phát hiện ý tưởng của mình đã bị lặp lại trong hai bài báo học thuật của người khác. Ảnh: Jewisharabiccultures.fak12.uni-muenchen.de

Phiên tòa diễn ra tại Cambridge cho biết, Connolly bắt đầu làm việc với tư cách là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ vào tháng 10/2014 và đệ đơn khiếu nại chính thức bằng văn bản tháng 7/2020, cáo buộc Tiến sĩ Wagner đã “đánh cắp” ý tưởng mình chia sẻ trong một nhóm nghiên cứu và đưa vào một bài báo mà không ghi công cô.

Cụ thể, Connolly khẳng định mình là người đầu tiên công khai đặt nghi vấn về niên đại đã được xác định của một bản thảo tiếng Do Thái-Ả Rập. Mặc dù bản thảo được cho là có từ thế kỷ 17, Tiến sĩ Connolly cho biết, năm 2016, cô đã đề xuất công khai với Tiến sĩ Wagner và nhóm thảo luận rằng nó có thể có niên đại muộn hơn khoảng một thế kỷ.  Năm 2019, cô sốc khi phát hiện lập luận này có trong hai bài báo học thuật của tiến sĩ Wagner và được trình bày như thể đó là ý tưởng của bà.

Một ủy ban nội bộ của Đại học Cambridge đã kết luận trong báo cáo sơ bộ rằng, mặc dù chỉ là "thoáng qua và không liên quan trực tiếp đến lập luận chính của các bài được đề cập", hai bài báo của Tiến sĩ Wagner có chứa “những dấu hiệu đạo văn”.

Chia sẻ trong phiên tòa, Tiến sĩ Connolly cho rằng quá trình kéo dài suốt 4 năm sau khi cô chính thức nộp đơn kiện tiến sĩ Wagner từ tháng 7/2020 đã “tác động sâu sắc” tới sức khỏe tinh thần của mình và khiến cô rời khỏi môi trường học thuật. 

Cựu nghiên cứu sinh đã nói với hội đồng xét xử rằng cô không yêu cầu hành động kỷ luật đối với Tiến sĩ Wagner, mà chỉ muốn đảm bảo rằng “nếu có ai đó lên tiếng, họ sẽ được coi trọng hơn tôi”.

Theo Hoàng Linh (VietNamNet)

Nổi bật