Yu Ruijun, nhà nghiên cứu cấp cao của Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), trong một bài đăng trên mạng internet nói rằng "có nhiều bằng chứng cho thấy người Trung Quốc tạo ra nền văn minh Ai Cập".
Bài viết, được xuất bản hôm 22/11, gây tranh cãi dữ dội khi được đăng tải trên tài khoản WeChat chính thức của Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Trương Gia Khẩu, nhưng sau đó bị xóa.
Bằng chứng mà Yu đưa ra để ủng hộ tuyên bố của mình là một chiếc chậu đồng thời Xuân Thu (770-476TCN) được khai quật ở một ngôi mộ Trung Quốc, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Trương Gia Khẩu. Chiếc chậu có những hoạt tiết điêu khắc mà Yu cho là giống với hoạt tiết giống với các cổ vật được tìm thấy ở Ai Cập.
Yu sau đó nêu thêm năm điểm ủng hộ tuyên bố của ông, bao gồm sự tương đồng về chủng tộc, cổ vật văn hóa, công nghệ dược, đơn vị đo lường, phong tục dân gian giữa hai nền văn minh.
Trước đó, Yu từng xuất hiện trên các kênh truyền thông, được mô tả là nhà sưu tập nhiều kinh nghiệm về các loại đá cổ và điêu khắc trên đá.
Các bằng chứng và nghiên cứu khảo cổ hiện tại trên khắp thế giới ủng hộ kết luận rằng nền văn minh cổ đại Ai Cập xuất hiện sớm hơn nhiều so với nền văn minh Trung Quốc, dù có một số điểm chung.
Tuyên bố lạ thường và không có cơ sở của Yu khiến nhiều người khó hiểu và lên tiếng chỉ trích.
Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Trương Gia Khẩu từ chối yêu cầu phỏng vấn của tờ SCMP, nhưng cho biết đã mở cuộc điều tra nội bộ về bài viết của Yu.
Zheng Jinsong, phó giám đốc Bảo tàng Đại Học Tây Nam ở Trùng Khánh (Trung Quốc) nói rằng dù các bằng chứng mà Yu đưa ra cho thấy một số điểm giống nhau giữa hai nền văn minh, hiện chưa có gì ủng hộ tuyên bố nền văn minh Trung Quốc xuất hiện sớm hơn văn minh cổ đại Ai Cập.
"Khi nghiên cứu về nguồn gốc các nền văn minh, thái độ tự mãn hay coi thường là không chấp nhận được," Zheng nói trên tờ Shangyou News.
Hà An (Nguoiduatin.vn)