Võ Tắc Thiên (624 – 705) hay còn gọi là Võ hậu vốn là một phi tần ở hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau này, bà trở thành hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị. Sau khi Đường Cao Tông qua đời, Võ Tắc Thiên trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với tư cách Hoàng thái hậu, và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705. Bà là nữ hoàng đế duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc.
Việc Võ Tắc Thiên lên ngôi vua đã phá vỡ tư tưởng trọng nam khinh nữ của những con người sống ở thời phong kiến. Tuy nhiên, việc Võ Tắc Thiên trở thành hoàng đế cũng khiến hậu thế băn khoăn rằng hậu cung của bà liệu có tam cung lục viện hay 3.000 giai nhân như những vị hoàng đế khác hay không?
Vào ngày 9/9 âm lịch năm 690. Võ Tắc Thiên khi đó là Võ Thái hậu chính thức lên ngôi ở Tắc Thiên môn, đổi tên triều đại từ Đường thành Chu, đổi niên hiệu làm Thiên Thụ. Sau khi đăng cơ, Võ Tắc Thiên không chịu thua kém các vị hoàng đế khác, bà cũng bắt đầu thu nạp hậu cung. Tuy nhiên, hậu cung của bà không có các mỹ nữ, thay vào đó, Võ Tắc Thiên nuôi nam sủng.
Theo cuốn Cựu Đường Thư, bộ sách do các sử quan thời Hậu Tấn (907-960) biên soạn về lịch sử thời Đường, Võ Tắc Thiên từng nuôi nhiều nam sủng.
Nam sủng đầu tiên của Võ Tắc Thiên là một hòa thượng tên Tiết Hoài Nghĩa. Thực ra, Tiết Hoài Nghĩa có tên thật là Phùng Tiểu Bảo. Trước khi gặp Võ hậu, Phùng Tiểu Bảo chuyên làm việc vặt ở Lạc Dương. Nhờ ngoại hình lực lưỡng với khuôn mặt rất đẹp, Phùng Tiểu Bảo lọt vào mắt của thị nữ trong phủ Thiên Kim công chúa.
Thị nữ lén đưa Phùng Tiểu Bảo vào cung để hẹn hò thì bị Thiên Kim công chúa phát hiện. Vị công chúa này vì muốn lấy lòng Võ Tắc Thiên nên quyết định dâng Phùng Tiểu Bảo cho bà. Sau đó, công chúa đã đổi tên Phùng Tiểu Bảo, phong làm hòa thượng để lấy cớ vào cung đàm đạo Phật pháp, đồng thời lệnh cho phò mã của Thái Bình công chúa nhận làm nghĩa phụ. Khi Tiết Hoài Nghĩa trở thành nam sủng của Võ Tắc Thiên thì bà đã 61 tuổi.
Tiết Hoài Nghĩa không chỉ là nam sủng của Võ hậu, ông ta còn đảm nhiệm xây dựng hai tòa cung điện là Minh đường và Thiên đường. Tuy nhiên, Tiết Hoài Nghĩa ngày càng can thiệp nhiều vào việc triều chính, đỉnh điểm là phóng hỏa đốt 2 tòa cung điện. Việc này đã khiến Võ Tắc Thiên nổi giận và ra lệnh giết Tiết Hoài Nghĩa.
Sở dĩ Tiết Hoài Nghĩa chết là bởi ông ta ghen tuông với nam sủng thứ 2 của Võ Tắc Thiên – Thẩm Nam Mậu. Thẩm Nam Mậu là một thái y được Võ hậu vô cùng sủng ái nhờ có ngoại hình rất giống với tiên hoàng Lý Thế Dân. Ngoài ra, ông ta được nữ hoàng đế yêu thích bởi chuyên chế ra các phương thuốc níu kéo thanh xuân cho bà. Khi Thẩm Nam Cầu chết vì bệnh, bà đã khóc rất nhiều và viết thơ bày tỏ nỗi tiếc thương.
Nam sủng thứ ba của Võ Tắc Thiên là Trương Tông Xương. Người này do Thái Bình công chúa dâng lên nữ hoàng đế khi bà đã ngoài 70 tuổi. Sử sách mô tả rằng khuôn mặt của Trương Tông Xương "đẹp như một đóa sen". Sau đó, Trương Tông Xương còn dẫn em trai mình là Trương Dịch Chi vào cung phục vụ Võ hậu. Theo Cựu Đường Thư, hai người "tuổi ngoài đôi mươi, dung nhan trắng trẻo tuấn tú, giỏi âm luật ca từ" khiến Võ Tắc Thiên rất hài lòng. Nữ hoàng đế còn phong cho họ làm quốc công. Hai người thường trang điểm và diện trang phục đẹp.
Tới năm 698, Võ Tắc Thiên thành lập Khống Hạc Giám với danh nghĩa là nơi đàm đạo, phát triển văn học, thực tế là hậu cung của bà. Trương Tông Xương và Trương Dịch Chi là quan quản lý nơi này. Khống Hạc Giám có 43 thành viên, gồm nam sủng của Võ hậu và các văn nhân. Tới giữa năm 700, nơi này bị tiếng xấu là tụ điểm ăn chơi của Võ Tắc Thiên nên bà đã đổi tên thành Phụng Thần Phủ.
Dưới sự dung túng của Võ hậu, hai anh em họ Trương khuấy đảo triều đình, khiến nhiều vị quan bất bình. Đến năm 704, Võ Tắc Thiên lâm bệnh nên không màng chính sự và để cho 2 người này quyết định mọi việc. Năm 705, vì lo sợ 2 anh em họ Trương tạo phản, tể tướng Trương Giản Chi đã cùng các đại thần phát động binh biến, ép Võ Tắc Thiên thoái vị và đưa Đường Trung Tông lên ngôi. Võ Tắc Thiên bị giam lỏng trong cung và qua đời không lâu sau đó, thọ 81 tuổi. Hai nam sủng họ Trương bị giết sau khi bà qua đời.
*Nguồn: Sohu, Sina
Theo Nguyệt Phạm (Đời Sống & Pháp Luật)