Hoàn cầu: Nếu Mỹ-Hàn xâm lược Triều Tiên, Trung Quốc sẽ lập tức can thiệp quân sự

22/04/2017 23:23:00

Đồng thời tuyên bố, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng "nghênh chiến" để chủ trương của nước này về vấn đề Triều Tiên được tôn trọng hơn.

Đồng thời tuyên bố, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng "nghênh chiến" để chủ trương của nước này về vấn đề Triều Tiên được tôn trọng hơn.

Hoàn cầu: Nếu Mỹ-Hàn xâm lược Triều Tiên, Trung Quốc sẽ lập tức can thiệp quân sự

Mới đây, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) chỉ ra rằng, cục diện trên bán đảo Triều Tiền không hề giảm nhiệt, Bình Nhưỡng rất có khả năng sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.

Theo tờ này, nếu động thái trên xảy ra thì nỗ lực phản đối chiến tranh sẽ vô ích nên Bắc Kinh cần sẵn sàng "nghênh chiến" nhằm giúp chủ trương của nước này về vấn đề Triều Tiên được tôn trọng hơn.

"Mặc dù vụ thử tên lửa hôm 16/4 của Triều Tiên thất bại, tàu sân bay Carl Vinson Mỹ đến bán đảo Triều Tiên muộn mười ngày (so với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump) nhưng căng thẳng trên bán đảo cũng không hạ nhiệt.

Khả năng Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và phóng thử tên lửa liên lục địa xảy ra rất cao. Cục diện căng thẳng mới có thể theo đó phát sinh", Hoàn cầu bình luận.

Đặc biệt, hôm 21/4, trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ đăng tải dòng tweet: "Trung Quốc là huyết mạch kinh tế của Triều Tiên, mặc dù không có gì là dễ dàng nhưng nếu họ muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên, họ sẽ giải quyết".

Báo Trung Quốc nhận định, Tổng thống Trump đang bằng cách tiếp cận của riêng ông buộc Bắc Kinh gây áp lực, cắt đứt huyết mạch kinh tế khiến Bình Nhưỡng phải đưa ra nhượng bộ lớn.

Đồng thời cho rằng, động thái của Trump cho thấy việc Washington đang khuyến khích Bắc Kinh "giúp đỡ" cũng như cảnh báo, "trong trường hợp Bắc Kinh không giúp được, Washington sẽ có những lựa chọn khác".

"Trung Quốc không thể điều tiết toàn cục, lời yêu cầu "Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên" của Trump và cách thức giải quyết Bắc Kinh hướng tới khác biệt rất lớn", Hoàn cầu đáp trả.

Và nhấn mạnh Bắc Kinh hiện đang đối diện với tình huống khó khăn vì không thuyết phục được Bình Nhưỡng, trong khi Washington và Seoul không áp dụng đề xuất "tạm dừng song phương" (tức Triều Tiên ngừng phát triển chương trình hạt nhân, Mỹ-Hàn ngừng triển khai THAAD) của Trung Quốc.

Theo đó, trước tình hình trên, Bắc Kinh chỉ có thể "vừa tiến, vừa quan sát", bởi nếu Triều Tiên lại tiến hành thử vũ khí hạt nhân, tạo thành mối đe dọa tiềm ẩn ở khu vực Đông Bắc, Trung Quốc sẽ buộc tăng cường lệnh trừng phạt với Triều Tiên ví như giảm nguồn cung ứng dầu mỏ cho nước này.

Đồng thời cho rằng, nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân khiến Mỹ phải tiến hành ''tấn công phẫu thuật" thì Trung Quốc sẽ chỉ gây áp lực ngoại giao mà không nhất thiết phải can thiệp quân sự.

Tấn công phẫu thuật (tiếng Anh: Surgical strike) là thuật ngữ chỉ cuộc tấn công chuẩn xác cao và hạn chế thấp nhất thiệt hại ngoài dự kiến như sinh mạng thường dân hay các cơ sở hạ tầng.

Giới quan sát nhận định, luận điệu mới này của Hoàn cầu bất ngờ "mềm mỏng" khác hẳn tuyên bố cứng rắng đăng tải trước đó: Nếu an ninh và ổn định của vùng Đông Bắc bị xâm phạm, quân đội Trung Quốc sẽ có thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

"Nhưng nếu quân đội Mỹ-Hàn vượt qua vĩ tuyến 38 - đường phân giới Triều Tiên-Hàn Quốc, tiến hành xâm lược Triều Tiên, trực tiếp lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng, Trung Quốc sẽ lập tức triển khai can thiệp quân sự", Hoàn cầu lớn tiếng cảnh cáo Washington-Seoul.

Theo Thủy Thu (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật