Loài bọ gấu nước siêu nhỏ đã sinh sôi trên Trái đất trong hơn 500 triệu năm nhưng cho đến nay giới nghiên cứu hiếm khi tìm được hóa thạch liên quan đến chúng. Vì thế một mảnh hổ phách được tìm thấy ở Dominica đã trở thành kho báu vô giá khi giữ nguyên vẹn cơ thể một loài tardigrade chưa từng biết.
''Tardigrade là một dòng dõi cổ xưa phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, từ thời trỗi dậy của thực vật trên cạn cho đến thời sụp đổ của loài khủng long. Tuy nhiên, chúng giống như một dòng dõi ma quái đối với các nhà cổ sinh vật học vì hầu như không có hồ sơ hóa thạch'', nhà sinh vật học Phil Barden từ Viện Công nghệ sinh học New Jersey (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Loài mới có tên khoa học là Paradoryphoribius chronocaribbeus, một thành viên của siêu họ tardigrade hiện đại (Isohypsibioidea). Quan sát dưới kính hiển vi, Paradoryphoribius chronocaribbeus có chiều dài không hơn 1 mm. Chúng có 8 chân với móng vuốt, một bộ não và hệ thần kinh trung ương. Bọ gấu nước là loài động vật có chân nhỏ nhất từng được ghi nhận.
Nhà nghiên cứu bệnh học Marc Mapalo từ đại học Harvard (Mỹ) cho biết công nghệ quan sát hiện đại cho thấy loài mới có một tổ chức lông trước độc đáo, khác với tardigrade hiện đại. Sinh vật này được cho là sinh ra sau đại tuyệt chủng khủng long 66 triệu năm trước. Trước đó chỉ có 2 loài cổ xưa hơn được ghi nhận là Milnesium swolenskyi (90 triệu tuổi) và Beorn leggi (72 triệu tuổi), nhưng chưa hóa thạch nào hoàn hảo như lần này.
Theo National Geographic, tardigrade là những sinh vật với sức sống mãnh liệt, một số loài có thể tồn tại tới 30 năm mà không cần thức ăn. Chúng được tìm thấy ở những nơi điều kiện sống khắc nghiệt đến mức không tưởng: Giữa vùng băng giá địa cực, trong môi trường gần như nước sôi ở các miệng núi lửa, ở những nơi chết chóc, thiếu nguồn sống nhất trên thế giới...
Chúng sống sót bất chấp Trái đất trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng quy mô lớn. Các nhà khoa học còn cho rằng vẫn có một số cá thể của loài này tiếp tục tồn tại sau khi tàu vũ trụ Beresheet của Israel mang theo chúng gặp trục trặc trong lúc hạ cánh và đâm xuống Mặt Trăng vào tháng 4/2019, vì các thử nghiệm cho thấy tardigrade vẫn bất tử trong môi trường vũ trụ.
Nhà di truyền học Chris Mason từ đại học Weill Cornel (Mỹ) thậm chí từng đề xuất phương án hòa trộn DNA của sinh vật bất tử này vào con người, giúp những nhà du hành tương lai có thể chống lại những điều kiện cực đoan của vũ trụ.
Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)