Tờ Dailymail vừa đưa tin về phát hiện hóa thạch 7,2 triệu năm tuổi thuộc về người tiền sử mà các nhà nghiên cứu tìm thấy ở vùng Balkans đã chỉ ra rằng sự phân chia dòng dõi con người bắt đầu từ Địa Trung Hải chứ không phải châu Phi như giả định trước đây.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu giả định rằng tổ tiên loài khỉ kích cỡ lớn và người tiền sử phân chia dòng dõi từ 5 - 7 triệu năm trước và người tiền sử phát triển lên từ châu Phi.
Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Đại học Toronto (Canada) đã thực hiện hai phân tích hóa thạch để đưa ra kịch bản mới cho sự khởi đầu của lịch sử nhân loại. Hai mẫu vật được phân tích thuộc về Graecopithecus freybergi - tổ tiên sớm nhất nhân loại. Một mẫu là xương hàm dưới được tìm thấy từ Pyrgos Vassilissis, Hy Lạp. Mẫu kia là răng tiền hàm từ Azmaka, Bulgaria.
Sử dụng máy chụp cắt lớp điện toán đã giúp hình dung được cấu trúc bên trong của các hóa thạch và chứng minh rằng gốc rễ của răng, hàm đã có sự kết dính, hợp nhất phổ biến. Trong khi đó Giáo sư Madelaine Böhme, người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên, cho biết loài khỉ thường có hai hoặc ba gốc rễ răng hàm riêng biệt, tách rời. Còn gốc rễ của Graecopithecus freybergi thì hội tụ và bị pha trộn một phần mà đó lại là đặc trưng của con người hiện đại, bao gồm cả vài loài người tiền sử như Ardipithecus và Australopithecus.
Ông Jochen Fuss, thuộc nhóm nghiên cứu, thông tin: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về kết quả này, vì người tiền sử trước đây chỉ biết đến từ vùng hạ Sahara ở châu Phi”. Phân tích cũng cho thấy hóa thạch Graecopithecus là 7,24 và 7,175 triệu năm tuổi, nhiều hơn vài trăm ngàn năm so với con người tiền sử lâu đời nhất từ châu Phi từng được biết đến trước đây.
Theo Tạ Xuân Quan (Thanh Niên Online)