Những khoảnh khắc lịch sử cuộc gặp hai miền Triều Tiên
Tháng 4/2018, khi những toa khách và nhà ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng treo chân dung chủ tịch vĩnh viễn Kim Nhật Thành cùng cố lãnh đạo Kim Jong Il, tường nhà ga tại Seoul là một tập hợp lộn xộn poster quảng cáo từ game online đến chuỗi cửa hàng miễn thuế, nhân vật trong poster các ngôi sao Hallyu như DBSG, Twice và So Ji Sub. Đó là hình ảnh đầu tiên cho thấy những hố sâu ngăn cách ngày càng lớn về lối sống, văn hóa và kinh tế của Triều Tiên so với Hàn Quốc.
Cái nắm tay của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 27/4 đã tạo ra cảm giác 2 miền bán đảo đang gần nhau hơn bao giờ hết, với tuyên bố chung sau cuộc gặp lặp lại mục tiêu chung là hướng đến một tương lai thịnh vượng, thống nhất cho nhân dân 2 miền.
Dù vậy, 7 thập kỷ chia cắt đã tạo ra những diện mạo rất khác nhau cho cuộc sống người dân ở Hàn Quốc và Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo có thể nhìn vào mô hình Đông - Tây Đức để kiến thiết ngày thống nhất bán đảo Triều Tiên nhưng khác biệt hiện tại giữa hai miền Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên đã xa xôi hơn Đông - Tây Đức vào năm 1991 rất nhiều.
Cuộc sống mới hoàn toàn thách thức người tị nạn
Ken Eom, từng là một người lính khi ở Triều Tiên, kể về những câu hỏi "ngu ngốc" mà anh phải nghe khi vừa đến miền Nam vào năm 2010. "Ở Triều Tiên có thức uống có cồn không?", mọi người sẽ hỏi. "Nếu người ta suy dinh dưỡng và không có gạo ăn, sao họ không ăn mì?".
Eom thấy mình bị cô lập. Anh có cảm tưởng mọi người nhìn mình như thổ dân đến từ bộ lạc vùng Amazon. Đó chỉ là một phần trong cuộc sống đầy khó khăn đợi chờ những người miền Bắc khi họ cố gắng hòa nhập vào xã hội miền Nam.
Khi vừa đến miền Nam, Eom làm việc trong một nhà máy, anh ngỡ ngàng nhìn mọi người ở đó, dù đều là người Hàn Quốc, nói tiếng Anh ngay cả trong những giao tiếp đơn giản nhất.
"Chúng tôi phải xếp vật liệu theo màu, và dù mọi người đều là người Hàn, họ không bao giờ nói tên của màu sắc bằng tiếng Hàn. 'Red, Blue, White'. 'Red' (màu đỏ) là gì? 'Blue' (màu xanh) là gì?", người đàn ông 37 tuổi kể lại.
"Tôi thấy khốn cùng ở đó".
Khác biệt ngôn ngữ Hàn - Triều thậm chí đã phô bày ngay giữa những nỗ lực hàn gắn. Hồi tháng 2, người tổ chức các buổi tập của đội khúc côn cầu thống nhất 2 miền đã phải chuẩn bị "từ điển" mini để giải thích cho những tuyển thủ về cách dùng từ của những người đồng bào bên kia biên giới.
Người Hàn Quốc sử dụng từ vay mượn tiếng Anh cho hầu hết thuật ngữ thể thao và cách phát âm của chúng cũng hao hao từ gốc tiếng Anh. Trong khi đó, người Triều Tiên tạo ra từ thuần tiếng Triều Tiên cho mỗi động tác.
Eom hiện theo học tại Trung tâm Giảng dạy Người tị nạn Triều Tiên ở Seoul. Trung tâm này cung cấp các khóa học tiếng Anh miễn phí cho người đến từ miền Bắc, hy vọng có thể thu hẹp khoảng cách của họ với những người đồng bào miền Nam và trong xã hội khắc nghiệt mới mà họ đang đối mặt.
Một trong 2 người điều hành trung tâm này là Eunkoo Lee, cũng từng là học viên tại đây. "Tôi muốn học tiếng Anh để có thể diễn thuyết", ông nói. "Tôi nghĩ có lẽ mình có thể giúp những người khác và trở thành một tấm gương về người Triều Tiên thành công".
Những người Triều Tiên thường bỏ trốn đến Hàn Quốc trong cảnh đơn độc, không có gia đình hay bạn bè bên cạnh. Chào đón họ là một thực tại khác biệt hoàn toàn, nhưng cũng không ít hơn khó khăn và khắc nghiệt.
Lựa chọn khác cho hòa giải?
Travis Jeppesen, một người theo dõi Triều Tiên lâu năm và là tác giả của sách See You Again in Pyongyang (tạm dịch: Hẹn gặp lại ở Bình Nhưỡng), nói rằng giấc mơ thống nhất "vẫn còn lạc quan" sau cuộc gặp Kim - Moon, dù vậy "giờ có lẽ là lúc cân nhắc nghiêm túc về một lựa chọn khác cho sự hòa giải".
"Cần nhận thức được rằng khác biệt lớn đã hình thành trong 2 xã hội kể từ sự chia cắt vào năm 1945 và cần một ý chí hợp tác để vượt qua điều đó", CNN dẫn lời ông.
Sokeel Park, giám đốc một tổ chức chuyên hỗ trợ người tị nạn, nói rằng nhiều người Triều Tiên, đặc biệt là những người đến từ các vùng quê ở Triều Tiên, "bước từ Triều Tiên sang Hàn Quốc như thể đi một cỗ máy thời gian để đến tương lai".
Chính phủ Hàn Quốc hiện hỗ trợ những người tị nạn 6.450 USD/năm, kèm theo việc dạy nghề và đào tạo khác. Các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thêm với hàng nghìn USD được bỏ ra mỗi năm để giúp đỡ mỗi người tị nạn. Dù vậy, rất nhiều người Triều Tiên vẫn vật lộn để kiếm việc làm tại miền Nam và sống ở mức cận nghèo.
Nếu việc hòa nhập của người Triều Tiên vào Hàn Quốc, dù chỉ với số lượng nhỏ vậy, đã khó khăn thì việc thống nhất hoàn toàn là bất khả thi, CNN nhận định.
"Đối với nhiều thanh niên Hàn Quốc, ý tưởng rằng chúng tôi với Triều Tiên là một dân tộc đã trở thành cái gì đó như một truyền thuyết cổ xưa", Park nói. Hầu hết người trẻ Hàn Quốc "hạnh phúc được sống chia rẽ" và khó mà chấp nhận cái giá quá cao cho việc thống nhất.
Những người mang giấc mơ thống nhất nước Đức vào đầu thập niên 1990 cũng đối mặt với nan đề này. Người Tây Đức khi đó không muốn hy sinh đời sống chất lượng cao của mình trong khi người Đông Đức dù muốn thống nhất nhưng lo sợ mình bị đối xử như công dân hạng hai.
Và cái giá thống nhất Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên cao hơn Đông - Tây Đức rất nhiều. Theo Financial Times, thu nhập bình quân của người Tây Đức khi Bức tường Berlin sụp đổ cao hơn Đông Đức từ 2 đến 3 lần. Trong khi đó, khoảng cách thu nhập giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là 40 lần.
Các thống kê cho thấy chi phí thống nhất mà Hàn Quốc phải gánh sẽ từ 500 tỷ USD đến vài nghìn tỷ USD.
"Chúng tôi thật sự chưa thảo luận về việc này ở mức độ nghiêm túc trong nhiều năm", Wol San Liem, giám đốc vấn đề bán đảo Triều Tiên tại Hiệp hội Công nhân Vận tải và Dịch vụ Công Hàn Quốc, nói.
"Các điều khoản thống nhất thì sao? Một hệ thống bang? Mô hình của Kim Dae Jung là một hệ thống liên bang, tôi nghĩ giờ là lúc chúng ta nói lại về việc đó". Bà cho biết nhiều người đang nói về một hệ thống 2 nhà nước, "chia cắt nhưng bình đẳng và có quan hệ tốt".
Hội nhập kinh tế
Trước mắt, theo tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, 2 bên sẽ tăng cường việc trao đổi, hội nhập kinh tế. CNN nhận định việc trao đổi sẽ diễn ra như thế nào là điều chưa ai biết. Hai bên đã đồng ý sẽ tăng cường "mối liên hệ và hiện đại hóa đường sắt, đường bộ" giữa 2 nước, thành lập một văn phòng liên hệ ở Kaesong.
Chính sách Ánh Dương dưới thời cựu tổng thống Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đã đổ hàng triệu USD viện trợ kinh tế cho Triều Tiên, mở cửa khu công nghiệp chung Kaesong ở vùng biên giới.
Bà Liem nói rằng tuyến đường sắt đi xuyên Triều Tiên sẽ mang đến cho Hàn Quốc hướng tiếp cận Trung Quốc và lục địa Á - Âu. Đây sẽ là cơ hội kinh tế lớn cho cả 2 nước.
"Giấc mơ lớn là chúng tôi kết nối các tuyến đường sắt, kết nối đến tuyến đường xuyên Siberia và đến cả châu Âu", bà nói. Dù vậy, Liem cũng cảnh báo rằng sự hội nhập sâu hơn sẽ khó hơn và không có nhiều lợi ích rõ ràng.
Triều Tiên, yếu hơn hẳn trong mối quan hệ kinh tế với Hàn Quốc và bị cách ly khỏi thế giới sau nhiều năm cấm vận, đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn lớn ở miền Nam lợi dụng.
"Kaesong về bản chất là nơi để các nhà tư bản Hàn Quốc bóc lột lao động rẻ tiền từ Triều Tiên", Liem nói. "Thậm chí đến lúc này những người Triều Tiên đến Hàn Quốc cũng là những người đang làm những công việc tệ nhất, ở mức lương thấp nhất".
Ở chiều ngược lại, làn sóng lao động giá rẻ đột ngột từ Triều Tiên tràn vào cũng gây hệ lụy xấu cho Hàn Quốc, nó kéo giá nhân công thấp xuống, cho phép doanh nghiệp cắt giảm quyền lợi của người lao động.
"Phải có cách gì đó để đồng cải thiện điều kiện làm việc ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên", bà nói. "Nếu không đó sẽ là một cuộc đua xuống đáy".
Trong khi đó, Eom, người lính năm xưa, tỏ ra lạc quan hơn. Ông nói rằng những trao đổi kinh tế, dù ở mức hạn chế, cũng có thể giúp Triều Tiên mở cửa và cải cách. Ngoài ra, những ý tưởng cũng khó mà bị kiềm giữ trong môi trường trao đổi, dù là ở những nơi bị kiểm soát như khu công nghiệp chung Kaesong.
"Trong quá trình làm việc họ sẽ biết thêm về văn hóa Hàn Quốc và thế giới bên ngoài. Họ là người, không phải máy móc", ông nói. "Con người họ được rất nhiều thứ trong quá trình lao động".
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)