Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AP |
Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại 6 bang vào ngày Siêu thứ Ba cuối cùng hôm 7/6, bà Hillary Clinton tuyên bố đã bà giành đủ số đại biểu cần thiết để làm ứng viên đại diện của đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Đối thủ cùng đảng của bà là ông Bernie Sanders cũng đã tuyên bố sẽ ủng hộ bà cản bước đối thủ đảng Cộng hòa.
Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ tại khu vực Seneca Falls, New York, bà Clinton khẳng định: "Đêm nay đã khép lại một hành trình tuyệt vời - một hành trình rất dài. Chúng ta mang ơn rất nhiều những người đã tới những đêm trước, và tối nay thuộc về tất cả các bạn".
Chiến thắng này đã giúp bà Clinton trở thành nữ ứng viên đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giành được quyền đề cử của một chính đảng để chạy đua vào Nhà Trắng.
Nếu có một khoảnh khắc duy nhất nào từng cho thấy bà Clinton sẽ giành được chiến thắng này, thì đó không phải thời điểm bà tuyên bố tham gia tranh cử trong một ngày nắng đẹp tại New York tháng 6 năm ngoái, cũng không phải bất kỳ bài phát biểu nào của bà để ăn mừng chiến thắng trước thượng nghị sĩ Sanders.
Theo cây bút Amy Chozick của New York Times, khoảnh khắc đó phải là thời điểm bà Clinton nhẹ nhàng phủi những đám bụi nhỏ trên vai trong khi phải điều trần trước một ủy ban của hạ viện Mỹ, với đa số các nghị sĩ đảng Cộng hòa tháng 10 năm ngoái. Bà đã bị truy vấn trong suốt hơn 8 tiếng về cách thức xử lý vụ tấn công khủng bố vào lãnh sự Mỹ tại Benghazi, Libya năm 2012.
Bà Clinton tỏ ra bình thản trong cuộc điều trần trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về vụ lãnh sự Mỹ tại Benghazi, Libya bị tấn công năm 2012. |
Bà có thể không phải một người có tài diễn thuyết như Tổng thống Obama, hay một chính trị gia truyền thống đi gặp từng nhóm cử tri, bắt tay và trò chuyện như chồng mình - cựu tổng thống Bill Clinton, nhưng bà lại là người có tinh thần thép trong một chiến dịch tranh cử đã truyền cảm hứng cho những phụ nữ lớn tuổi, các cử tri da màu và nhiều người khác. Họ xem sự kiên định của bà như tấm gương cho những cuộc tranh đấu của chính mình.
Với tư cách vợ của một chính trị gia, cựu đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ, ngoại trưởng cũng như ứng viên hai lần từng chạy đua vào Nhà Trắng, bà Clinton, 68 tuổi, đã tái định nghĩa vai trò của phụ nữ trên chính trường Mỹ. Bà khiến nước Mỹ bất ngờ hết lần này đến lần khác, trong cả những vụ bê bối, thất bại cũng như thành công.
"Bà ấy xuất hiện trên sân khấu trước đám đông như một người khác", Ann Lewis, một cố vấn lâu năm của cựu ngoại trưởng, nói. "Bà ấy đem đến sự lôi cuốn, cống hiến và cả những công kích - các cuộc tấn công từ cả hai đảng vẫn chưa dừng lại".
Các cộng sự thân cận của bà Clinton cho rằng thật trùng hợp khi giờ đây, sau khi đã vượt qua rất nhiều trở ngại, bà sẽ đối diện với một đối thủ rất nóng lòng công kích mình.
Chông gai
Đã 14 năm liên tiếp, và tổng cộng 20 năm tất thảy, bà Clinton được bầu chọn là người phụ nữ được người Mỹ ngưỡng mộ nhất, theo khảo sát thường niên của Gallup. Nhưng chiến dịch tranh cử của bà, cùng với tranh cãi xoay quanh việc bà sử dụng email cá nhân vào công việc trong thời gian còn là ngoại trưởng, đã khiến bà chịu nhiều tổn thất. Sự yêu mến và tin cậy mà người Mỹ dành cho bà đã lao dốc. Bà đang bị khắc họa như một chính trị gia đầy toan tính và giả tạo, như nhân vật quý bà Macbeth nham hiểm trong vở kịch nổi tiếng của Shakespeare.
Và cũng theo cách đó, danh tiếng và sự bền bỉ của bà trên chính trường không còn là những tài sản không thể hao mòn. Thù lao khổng lồ bà có được tại những cuộc diễn thuyết cho các ngân hàng tại phố Wall cũng góp phần kìm chân bà trong cuộc bầu cử, khi đối thủ có cớ để công kích.
Sự nghiệp của bà Clinton luôn chứa đựng những bất ngờ. Bà trưởng thành trong phong trào đấu tranh vì nữ quyền những năm 1960 tại Đại học Wellesley - nơi bà đã hối thúc những bạn học khác thôi đòi hỏi những thay đổi lớn, mà tự mình nỗ lực biến "điều không thể thành có thể". Bà sau đó tham gia nhiều hoạt động tại các bang phía Nam để thúc đẩy các tham vọng của chồng mình.
Bà từng là một trong những chiến lược gia trưởng trong chiến dịch tranh cử của ông Bill Clinton, và là người phụ trách một nỗ lực cải tổ chăm sóc y tế không thành công, trong khi giữ vững cuộc hôn nhân của mình sau những bê bối tình ái của chồng, cũng như các gièm pha xung quanh.
Nhưng dù là người có những mặt mâu thuẫn, bà cũng là điển hình cho một xã hội mà trong đó, kỳ vọng vào phụ nữ, cũng như kỳ vọng của phụ nữ về chính họ, đang thay đổi nhanh chóng. Việc phân tích các quan điểm về bà Clinton cũng như những phụ nữ quyền lực nói chung luôn là việc không dễ dàng.
Roy M. Neel, người quản lý chiến dịch tranh cử phó tổng thống của ông Al Gore năm 1992, cho rằng những người phụ nữ ở miền Nam đặc biệt không thích bà Clinton, một bà mẹ đi làm đầu tiên trở thành đệ nhất phu nhân nước Mỹ - và là đệ nhất phu nhân duy nhất sở hữu một phòng làm việc tại West Wing (tòa nhà điều hành ở Nhà Trắng, nơi có các văn phòng làm việc của tổng thống Mỹ). Những phụ nữ đó không thích bà Clinton bởi thành công của bà làm họ cảm thấy tủi thân khi nghĩ về mình.
Nếu như những ác cảm thủ cựu chống lại bà Clinton có thể được lý giải một phần do sự khó khăn của người Mỹ trong việc thay đổi quan niệm về vai trò của từng giới trong gia đình, công việc và trên chính trường, những cuộc đấu của bà trên chính trường cũng để lại những vết sẹo định hình lên con người của ứng viên này: bà hiểu rõ thực tế tại Washington nhưng thận trọng và lo ngại sẽ mắc sai lầm.
Cuộc đua kéo dài của bà Clinton với ông Sanders, người từng bị xem là khó có thể vượt qua một vài cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, đã cho thấy rõ cái giá bà Clinton phải trả cho sự e dè đó.
Ở thời điểm mà nhiều cử trị bị thu hút bởi sự bốc đồng, không bị kiểm soát của ông Trump và chủ nghĩa lý tưởng của ông Sanders, bà Clinton lại không hề nắm lấy những xu hướng này.
Anna Greenberg, một nhà khảo sát cử tri của đảng Dân chủ, khẳng định việc tỏ ra thận trọng trong một kỳ bầu cử không giúp ích gì cho bà Clinton. "Các cuộc bầu cử sơ bộ của cả hai đảng cho thấy mức độ giận dữ và thất vọng của cử tri", bà Greenberg nói. "Bà ấy sẽ phải và cần phải điều chỉnh cho phù hợp".
Suốt 14 tháng, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã lạc nhịp trong việc thu hút cử tri trẻ tuổi, và ở những nơi cử tri đòi hỏi nhiều hơn những gì bà Clinton đã hứa hẹn. Việc cựu ngoại trưởng gặp khó khăn với bộ phận cử tri này có thể là một dấu hiệu đáng ngại.
Trong khi chồng bà trong chiến dịch tranh cử năm 1992 tập trung vào thu hút "tầng lớp trung lưu bị lãng quên", bà Clinton lại không thể đưa ra được một trọng tâm rõ ràng và đơn giản như vậy cho chiến dịch của mình. Và mặc dù bà đã đưa ra được những đề xuất chính sách và quan điểm chi tiết hơn bất kỳ ứng viên nào khác, điều bà thực sự tin tưởng là gì lại là điều nhiều cử tri chưa rõ.
Bà Clinton từng ca ngợi thành quả Tổng thống Obama đạt được trong 8 năm qua, và giành được gần 77% số phiếu từ các cử tri da màu, tính tới ngày 10/5. Dù vậy, bà lại cam kết sẽ hành động mạnh mẽ hơn ông Obama trong việc trao quyền công dân cho những người nhập cư phi pháp, phê bình hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mang tính dấu ấn của ông Obama, và bác bỏ kế hoạch đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà ông Obama đề xuất bằng cách lập vùng cấm bay tại Syria.
Bà ca ngợi thành tích về chính sách kinh tế của chồng khi còn là tổng thống, và đề xuất sẽ để ông Clinton phụ trách hồi sinh những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế nhất. Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng cũng đi ngược lại với một số phần chủ chốt trong di sản của chồng mình.
Trong một mùa bầu cử mà ông Sanders đã tập trung công kích giới tài phiệt phố Wall, còn ông Trump "gây chiến" với người nhập cư, và cả hai cùng cam kết sẽ đảo ngược tình trạng mất việc làm và khó khăn kinh tế, bà Clinton lại vẫn bám lấy sự thực dụng cứng nhắc.
Lời hứa "hào phóng" nhất mà bà đưa ra là sẽ không hứa quá nhiều. "Chúng ta không cần những thứ đó", bà Clinton tuyên bố với cử tri.
Nhưng bù lại cho sự hạn chế những phát ngôn khoa trương, bà đã lắng nghe vấn đề của người dân và đưa ra các giải pháp. Cựu ngoại trưởng đã rơi lệ khi lắng nghe một người đàn ông có mẹ mắc bệnh Alzheimer, và một phụ nữ mất con trong một tai nạn liên quan đến súng.
Bà Clinton đã thừa nhận điểm yếu bà chưa từng để lộ trong kỳ bầu cử năm 2008, khi vận động tranh cử với hình ảnh một vị tổng tư lệnh cứng rắn, muốn tìm cách giải tỏa mọi hoài nghi về việc liệu bà có đủ mạnh mẽ để làm chủ Phòng Bầu dục.
"Tôi không phải một người sinh ra đã có khiếu làm chính trị, như chồng tôi hay Tổng thống Obama", bà Clinton nói trong một cuộc tranh luận với đối thủ Sanders.
Với những người ủng hộ, bà có lẽ đang theo một dạng logic kỳ lạ nào đó. Bà Clinton vừa được kỳ vọng sẽ cho thấy sự can đảm của một tổng tư lệnh, sự lôi cuốn như một người "bạn nhậu", và cả sự ấm áp như một người cô thân thiết.
Không ít người cho rằng đây là một sự kết hợp bất khả thi - và nếu bà có thể đạt được tất cả những điều này, chắc chắn sẽ lại xuất hiện một số phẩm chất thiết yếu nào đó khác mà bà không có. Bởi cho đến nay, chưa hề có hình mẫu nào cho một nữ tổng thống Mỹ.
"Người dân đang rất do dự về việc họ muốn một nhà lãnh đạo nữ ra sao", thượng nghị sĩ bang New York Kirsten Gillibrand nhận định. "Sự không rõ ràng ở bà Hillary đến từ bên ngoài. Nó xuất phát từ chính quan điểm của mọi người".
Tất nhiên, thái độ của công chúng về một nhà lãnh đạo nữ sẽ thay đổi. Trong một cuộc tiếp xúc báo giới hồi đầu tuần, nhiều giờ trước khi có thông tin bà Clinton đã giành đủ số phiếu ủng hộ để được đề cử, cựu ngoại trưởng đã nhìn xa hơn cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới. Bà tin rằng một nữ ứng viên tranh cử tổng thống trong tương lai có lẽ sẽ không đòi hỏi quá nhiều sự bền bỉ và can đảm đến vậy để chạy đua vào Nhà Trắng.
"Đại đa số những phụ nữ, bé gái và các ông bố đưa con gái mình tới gặp tôi và nói rằng họ ủng hộ tôi vì những cô con gái của họ", bà Clinton nói. "Và tôi thực sự nghĩ rằng sẽ có một khác biệt rất lớn nếu một người cha hoặc người mẹ có thể nhìn vào con gái họ như cách họ nhìn vào con trai và nói rằng: 'Con có thể trở thành bất kỳ ai con muốn ở đất nước này, kể cả tổng thống Mỹ'".
Theo Hoàng Nguyên (VnExpress.net)