Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã chứng kiến nhiều lời đồn thổi quanh tình trạng sức khỏe của nữ ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.
Ảnh: WND |
Không hề đưa ra bằng chứng nào, tỷ phú Trump tuyên bố ở Ohio ngày 15/8 rằng Hillary "không có đủ sức chịu đựng cả về tâm thần và cơ thể để xử lý IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo) và tất cả những kẻ thù mà chúng ta đang đối mặt".
Ông Trump năm nay 70 tuổi, nhiều hơn bà Clinton 2 tuổi.
Hầu hết những thông tin mới đây nhất về sức khỏe của Hillary khẳng định rằng, bà chưa khỏi hẳn sau lần bị máu vón cục năm 2002 và hiện vẫn đang giữ kín yếu điểm của mình.
Các bác sĩ khẳng định Hillary Clinton đã phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật. Năm ngoái, trong một thư kèm theo kết quả khám nghiệm, bác sĩ riêng của bà - Lisa Bardack kết luận: "Bà ấy hiện ở trong tình trạng cơ thể tuyệt vời và đủ sức khỏe để làm Tổng thống Mỹ".
Hãng tin BBC điểm lại lại những tin đồn cho rằng Hillary yếu sức khỏe:
Đầu mùa hè: Những người sử dụng Twitter bắt đầu đồn đoán về sức khỏe của Hillary Clinton, sử dụng hashtag #HillaryHealth.
Ngày 4/8: Trang web Infowars của nhà lý luận về giả thuyết âm mưu Alex Jones bắt đầu đăng tải những câu chuyện về tình trạng sức khỏe được cho là sa sút của Hillary. Các bài báo dùng một clip bà đùa một phóng viên AP hồi tháng 6 như một bằng chứng cho thấy cựu Ngoại trưởng Mỹ đang "chịu những cơn ngập máu khi đang ở nơi công cộng".
Nhà báo Lisa Lerer của AP đã viết một bài phản biện.
Ngày 7/8: Blogger bảo thủ Matt Drudge đưa lên mạng một bức ảnh Hillary Clinton đang được các trợ tá giúp đi lên bậc thềm, kèm tựa đề "Hillary chinh phục những bậc thềm".
Ông Drudge hướng người đọc đến một câu chuyện, trong đó có đoạn: "Tình trạng sức khỏe đáng ngờ của Hillary Clinton sẽ là một vấn đề lớn của chiến dịch tranh cử năm 2016".
Vấn đề là gì? Bức ảnh được chụp hồi tháng 2 và tin tức báo chí lúc đó cho thấy bà tiếp tục đi vận động tranh cử sau khi bị ngã nhẹ.
Phân tích bức ảnh Hillary bước lên thềm, Infowars cho rằng viên trợ tá đang giúp bà thực ra là một bác sĩ và vật bà đang cầm trong tay là một ống tiêm thuốc an thần.
Ngày 8/8: Báo National Enquirer ủng hộ Trump đăng một câu chuyện có nhan đề "Khủng hoảng sức khỏe bí mật của Hillary Clinton".
Ngày 8-11/8: Phát thanh viên Sean Hannity của Fox News đưa ra một số tình tiết về sức khỏe của Hillary Cliton trong chương trình trò chuyện giờ cao điểm, cho rằng bà đang chịu đựng các cơn ngập máu. Ông này thậm chí trích dẫn cuộc trao đổi giữa bà Clinton và nhà báo Lerer làm bằng chứng.
Hannity mời các chuyên gia y tế tới chương trình để xác nhận những nghi ngờ của mình, nhưng các bác sĩ không tán thành. Trên CNN, Jeffrey Lord - một người ủng hộ Trump - cũng lặp lại các suy đoán này.
Ngày 11-14/8: Một số hãng truyền thông trong đó có CNN và Washington Post phủ nhận những gì mà Hannity và Infowars đưa ra. Nhà báo Brian Stelter của CNN gọi những bình luận của Hannity là "thiếu thận trọng".
Ngày 15/8: Ông Trump quả quyết bà Clinton "không đủ sức chịu đựng cả về cơ thể lẫn tâm thần để chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)