Trầm cảm sau sinh đang trở thành mối quan tâm lớn đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Á nơi vẫn còn tồn tại những truyền thống, quy tắc khắt khe đối với người phụ nữ.
Trầm cảm sau sinh là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tự tử đáng tiếc ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. |
Những cái chết oan uổng
Một ngày tháng 8/2017, bà nội trợ họ Li, 27 tuổi sống cùng chồng và con trai 5 tuổi tại một tòa chung cư cao tầng ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc bất ngờ ôm con nhảy từ tầng 24 xuống tự vẫn trước sự bàng hoàng của gia đình và hàng xóm xung quanh.
Ai cùng thắc mắc tại sao cô lại dại dột quyên sinh và nguyên nhân nhanh chóng được báo chí tiết lộ: Người phụ nữ này đã sống chung với bệnh trầm cảm sau sinh từ 5 năm trước, khi vừa sinh con trai đầu lòng.
Đáng nói là bi kịch của gia đình này chỉ là một trong vô vàn những vụ việc tương tự xuất phát từ trầm cảm sau sinh mà báo đài thi nhau đưa lên trang nhất tại Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Trang ifeng ngày 7/9/2017 đưa tin một bà mẹ trẻ sống ở quận Thiên Kiều, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) nhân lúc chồng đi vắng đã uống thuốc độc tự tử cùng con gái 9 tháng tuổi. Hàng xóm của gia đình sang nhà chơi và phát hiện hai mẹ con đang trong tình trạng nguy kịch nên đã báo ngay cho cảnh sát. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, hai mẹ con đã tử vong. Nguyên nhân cũng được xác nhận do trầm cảm sau sinh mà gia đình không ai hay biết.
Căn hộ nơi bà mẹ trầm cảm tự tử bằng thuốc độc cùng đứa con nhỏ mới 9 tháng tuổi. |
Ngày 3/5/2015, vì chứng trầm cảm, người mẹ họ Lưu, 23 tuổi ở Tứ Xuyên cũng ra tay dìm chết con trai mới 18 ngày tuổi trong nhà vệ sinh. Trước đó, hồi năm 2013, một người phụ nữ họ Phan ở tỉnh Chiết Giang cũng tự tay bóp mũi con trai 2 tháng tuổi đến chết vì tâm lý không ổn định từ khi bắt đầu mang thai.
Hàng loạt vụ tự tử xảy ra mà nguyên nhân đều xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh liệu có khiến cho chúng ta suy nghĩ tại sao thay vì được nghỉ ngơi dưỡng sức để có sữa cho con bú thì những bà mẹ này lại rơi vào tình trạng thê thảm như vậy?
Hi sinh đến nỗi chẳng có thời gian cho bản thân
Ngày càng nhiều sản phụ mắc phải rối loạn cảm xúc sau sinh, nhẹ là rơi vào trạng thái khóc lóc, ủ rũ (còn gọi là "baby blues") và nặng là trầm cảm. Triệu chứng của trầm cảm sau sinh bao gồm cảm giác bị cô lập, có lỗi vì không chăm được con hay cảm thấy không gắn kết với con. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn cảm xúc này có thể là tác động cùng lúc của các thay đổi về tâm sinh lý, tình cảm và yếu tố môi trường.
Các nhà nghiên cứu cho hay ngày càng nhiều bà mẹ trẻ trên thế giới có nhận thức đúng đắn hơn về cách đương đầu với trầm cảm sau sinh thì tại Trung Quốc, phụ nữ vẫn gặp khá nhiều trở ngại và thách thức đối với việc tiếp cận tư vấn tâm lý sau sinh vì sợ người đời bàn tán.
Theo nhà xã hội học Zhou Yun, tốt nghiệp Đại học Harvard và hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ về vấn đề dân số ở Đại học Brown, một trong những thách thức xã hội đặt ra đối với những người phụ nữ Trung Quốc chính là phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Bà Zhou cũng cho biết tỷ lệ phụ nữ ra ngoài làm việc tại Trung Quốc được coi là cao so với các nước Châu Á khác, đặc biệt là khi số lượng phụ nữ tốt nghiệp cấp ba ngày càng nhiều. Thế nhưng, sau thời gian quần quật tại công ty, về đến nhà, hầu hết phụ nữ nước này là đâm đầu vào "ca làm" mới mang tên việc nhà.
Vừa phải đi làm, phụ nữ Châu Á thường phải kiêm luôn cả việc nhà, chăm sóc con trong khi chồng và nhà chồng coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm vợ. (Ảnh minh họa) |
"Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ Trung Quốc phải ôm đồm nhiều việc nhà và chăm con hơn đàn ông. Trong khi đó, họ cũng phải ra ngoài làm việc chẳng khác gì các đấng lang quân. Điều này chẳng khác nào làm một lúc hai công việc... Gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của những người phụ nữ cũng theo đó mà tăng lên gấp đôi.
Về đến nhà, hầu như bà mẹ nào cũng tất tưởi nấu nướng, dọn dẹp, tắm rửa cho con, cho con ăn. Toàn những việc không tên nhưng vô cùng tốn thời gian. Họ không còn thời gian cho chính bản thân mình. Trong khi đó, chơi với con được các ông bố coi là hành động "giúp đỡ, chia sẻ" bớt gánh nặng cho vợ thay vì nghĩ đó trách nhiệm của một người chồng", bà Zhou cho biết.
Định nghĩa của xã hội về "ông bố tốt" và "bà mẹ tốt" cũng rất khác nhau. Theo lời bà Zhou, từ trước đến giờ người ra vẫn đưa phẩm chất "hi sinh, chịu đựng" ra để đánh giá một bà mẹ tốt. Tức là, một người phụ nữ, người mẹ, người vợ mẫu mực là vừa phải biết kiếm tiền, vừa phải biết thu vén việc nhà và sẵn sàng hi sinh tất cả cho chồng cho con. Trong khi đó, người chồng chỉ cần giỏi kiếm tiền là đủ.
Nhận thức chưa đúng đắn về sức khỏe tâm thần
Ji Longmei, bác sĩ tư vấn tâm lý kì cựu tại Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Tâm thần Shanghai Soul Garden, cho biết một yếu tố khác góp phần không nhỏ dẫn đến trầm cảm chính là phong tục kiêng kị đối với phụ nữ 1 tháng sau sinh hay còn gọi là "ở cữ".
Trong 1 tháng đầu ở cữ, sản phụ không được gội đầu, uống nước lạnh và chỉ được quanh quẩn trong 4 bức tường để khỏi "gió máy". Mục đích của phong tục này là giúp bà mẹ vừa sinh được nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng theo nhà tư vấn tâm lý Ji, điều này có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe tinh thần.
"Những quy định hà khắc đối với sản phụ sau sinh trong thời gian ở cữ có thể gây ra tình trạng trầm cảm bởi họ bị nhốt trong nhà cả ngày. Đôi khi chỉ cần được ra ngoài tận hưởng ánh nắng mặt trời buổi sớm, vận động nhẹ nhàng, hay nói chuyện năm câu ba điều với người này người kia cũng khiến cho tinh thần của sản phụ khá hơn rất nhiều", bác sĩ tâm lý Ji cho biết.
Cả ngày quanh quẩn trong 4 bức tường trong thời gian ở cữ cũng có thể gây ra trầm cảm sau sinh. |
Những vấn đề này đều do nhận thức của người dân Trung Quốc đối với sức khỏe tâm thần chưa được đầy đủ.
Số liệu điều tra từ Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Mỹ cho thấy khoảng 11 - 20% các bà mẹ mới sinh mắc phải triệu chứng trầm cảm sau sinh. Hiện chưa có thống kê chính thức cho Trung Quốc nhưng theo chuyên gia trong lĩnh vực này thì con số đó giao động từ 10 - 15%, thậm chí còn cao hơn vì rất nhiều người phụ nữ giấu bệnh không dám đi khám để nghe tư vấn.
Trong khi hầu hết phụ nữ Bắc Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên sẽ tự mình đi gặp bác sĩ trị liệu thì tại Trung Quốc, số phụ nữ dám tới gặp bác sĩ tâm lý chỉ dưới 10%. Kể cả có đi khám thì họ cũng sẽ ra sức giấu giếm mọi người vì mặc cảm, sợ hãi mọi người sẽ đánh giá tiêu cực, ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc sau này.
Trong vài năm gần đây, số bệnh nhân tới tìm sự tư vấn của bác sĩ tâm lý ngày càng tăng. Theo nhà xã hội học Zhou, những vụ việc đau lòng liên quan tới trầm cảm sau sinh nhan nhản trên các mặt báo cũng góp phần khiến cho người dân chú ý hơn tới vấn đề này. Tuy nhiên, thay vì đổ lỗi hay trách móc các bà mẹ trẻ có hành động dại dột, chúng ta hãy tập trung giúp họ được thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần trong quá trình nuôi con.
Bên cạnh đó, Li Hongyan, bác sĩ khoa sản thuộc Bệnh viện Beijing Jishuitan cũng đưa ra lời cảnh báo phụ nữ bị ép buộc mang bầu và sinh con trong khi bản thân không hề mong muốn cũng khiến cho số lượng các ca trầm cảm sau sinh tăng thêm.
Nhớ lại có lần ngay khi đang trong phòng đẻ, một sản phụ đã nói với bà rằng cô ấy sinh con nhưng không muốn chăm con. Chẳng qua chồng và mẹ chồng muốn có con có cháu nên cô đẻ để cho họ vừa lòng mà thôi. Đau lòng hơn nữa, một sản phụ cũng bị ép buộc mang thai để có người nối dõi tông đường đã li dị chồng ngay khi vừa sinh xong con.
"Vậy đấy. Xã hội Trung Quốc chưa dành sự tôn trọng đúng mực cho những người phụ nữ chưa sẵn sàng để làm mẹ", bác sĩ Li thở dài chia sẻ.
Theo Đan Vy (Trí Thức Trẻ)