Ngày 5-5, chính quyền Nepal đề nghị các đội tìm kiếm cứu hộ nước ngoài về nước do xác định không còn cơ hội tìm thấy người sống sót trong các đống đổ nát. Đã có 7.557 người chết.
Ước tính 50% trong tổng số 4.000 nhân viên tìm kiếm cứu hộ nước ngoài đã rời Nepal. “Tôi nghĩ tất cả sẽ rút về nước của họ vào cuối tuần này” - ông Dhakal cho biết.
Các nhân viên cứu hộ nước ngoài tìm kiếm trong một đống đổ nát ở Kathmandu - Ảnh: Reuters |
Ước tính 76 đội cứu hộ và 70 đội y tế, bao gồm 4.050 người và 129 chó nghiệp vụ, đã đến Nepal tham gia tìm kiếm nạn nhân động đất khắp Nepal. Trong đó Ấn Độ cử 962 người, Trung Quốc 370 người, 286 người đến từ Israel, 140 từ Sri Lanka và 106 từ Singapore.
Theo ông Dhakal, các đội cứu hộ tìm thấy 16 người còn sống sót trong các đống đổ nát. Và đến thời điểm hiện tại, hoàn toàn không còn cơ hội tìm thấy người sống sót. “Chúng tôi đủ khả năng tìm các thi thể bị mắc kẹt” - ông Dhakal khẳng định.
Ông Dhakal tiết lộ nhiều nhân viên cứu hộ nước ngoài chỉ tập trung tìm kiếm người sống sót chứ không chịu di dời các thi thể bị mắc kẹt trong những đống đổ nát ở Kathmandu. “Vì vậy, sự hiện diện của họ là không còn cần thiết nữa” - ông Dhakal nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo một nhóm cứu hộ Tây Ban Nha cho biết vẫn sẽ ở lại Nepal.
“Chúng ta chưa biết có còn người sống sót hay không. Chúng tôi có công nghệ để tìm kiếm dưới các đống đổ nát, chúng tôi có chó nghiệp vụ để tìm dấu vết con người. Chúng tôi cũng có những kỹ thuật giải cứu hiệu quả” - chuyên gia này nhấn mạnh.
Dù vậy, bác sĩ Ian Norton của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng việc các đội tìm kiếm cứu hộ rời Nepal là điều cần thiết, bởi khi đó các cơ sở ở sân bay cũng như những nguồn lực khác sẽ được giải phóng để tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ những người sống sót sau động đất.
Bác sĩ Norton cho biết trong thảm họa động đất Haiti năm 2010, khoảng 2.000 nhân viên tìm kiếm cứu nạn đã giải cứu được 13 người trong các đống đổ nát. Nhưng gần 30.000 nạn nhân động đất sau đó đã lần lượt qua đời vì thiếu sự chăm sóc y tế đầy đủ.
“Sự hiện diện của các đội tìm kiếm cứu hộ là cần thiết, nhưng phải có sự cân bằng. Tuyên bố của chính quyền Nepal là hợp lý” - bác sĩ Norton giải thích.
Hiện tại, số người thiệt mạng do động đất Nepal lên đến 7.557, ngoài ra còn có 14.366 người bị thương. Chính quyền Nepal đã quyết định lập một quỹ tái thiết với hi vọng huy động được 2 tỉ USD.