Hệ thống gây nhiễu làm mù tên lửa đối phương của Mỹ

04/05/2016 15:27:00

Với bộ gây nhiễu mới, tiêm kích EA-18G có thể hỗ trợ tấn công chính xác mục tiêu mà không lo bị radar và tên lửa đối phương phát hiện.

Với bộ gây nhiễu mới, tiêm kích EA-18G có thể hỗ trợ tấn công chính xác mục tiêu mà không lo bị radar và tên lửa đối phương phát hiện.

he-thong-gay-nhieu-lam-mu-ten-lua-doi-phuong-cua-my

Hải quân Mỹ sắp trình làng một công nghệ gây nhiễu trong tác chiến điện tử công nghệ cao mới có thể giúp chiến đấu cơ Mỹ phá hủy các mục tiêu mà không lo bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không hiện đại của đối phương phát hiện, theo Scout.com.

"Toàn bộ ý tưởng là ngăn các hệ thống phòng không của đối phương phát hiện ra đòn tấn công của bất kể chiến đấu cơ nào mà chúng tôi đang bảo vệ. Thiết bị gây nhiễu mới không chỉ giúp máy bay sống sót mà còn giúp nó thực hiện đòn tấn công và trở về an toàn", Earnest Wiston, chỉ huy Phòng Trang bị Tấn công Điện tử, nói.

Thiết bị Gây nhiễu Thế hệ mới (NGJ) gồm hai pod dài hơn 4,5 m gắn ở hai đầu cánh của tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler để phát đi các sóng điện tử gây nhiễu radar. Khi sóng radar bị thiết bị này chặn phá, hoặc gây nhiễu, đối phương không thể phát hiện vị trí, kích thước của mục tiêu.

"Hệ thống mới với công nghệ radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) giúp chúng tôi tăng cường được sức mạnh, tính linh hoạt và có khả năng gây nhiễu mạnh hơn đối với nhiều radar cùng lúc", Wiston nói.

Thiết bị NGJ dự kiến được đưa vào vận hành năm 2021 để thay thế cho bộ gây nhiễu tác chiến điện tử ALQ 99 đang trang bị cho máy bay EA-18G Growler của hải quân Mỹ hiện nay.

Một trong những hạn chế của ALQ 99 là nó ra mắt cách đây 40 năm và gặp khó khăn trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện đại, chẳng hạn như máy bay địch trang bị radar mảng pha đồng bộ, có uy lực lớn, có khả năng xử lý tín hiệu được tăng cường và các dạng sóng hiện đại hơn, Winston giải thích.

Video sức mạnh tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler của Mỹ

NGJ được thiết kế để ngăn các mối đe dọa trên mặt đất và trên không như tiêm kích đối phương điều khiển tên lửa "khóa mục tiêu" tấn công. NGJ có "cấu trúc mở", có thể nhanh chóng tích hợp các công nghệ mới và bổ sung các mối đe dọa mới. Nếu đối phương sử dụng một mẫu máy bay hay tên lửa mới, NGJ có thể được nâng cấp để bổ sung dữ liệu về mối đe dọa này để kịp thời cảnh báo cho phi công.

Trong khi thiết bị cảnh báo radar chỉ đơn thuần là công nghệ phòng thủ, NGJ được cấu hình để có thể tấn công điện tử, gây nhiễu hỗ trợ cho các chiến đấu cơ như tiêm kích F/A-18 Super Hornrt hay tiêm kích đa nhiệm F-35, bảo vệ chúng trước các hệ thống phòng không đối phương.

NGJ đặc biệt hữu ích trong việc bảo vệ oanh tạc cơ như B-2, B-21 và tiêm kích F-35. Công nghệ này được thiết kế để phong tỏa, gây nhiễu, cản trở hoặc "làm mù" các hệ thống radar phòng không của đối phương, tạo điều kiện để chiến đấu cơ xâm nhập, ra đòn tấn công và rút lui an toàn.

he-thong-gay-nhieu-lam-mu-ten-lua-doi-phuong-cua-my-1
Một pod gây nhiễu NGJ do Raytheon sản xuất. Ảnh: Raytheon

Hải quân Mỹ dự kiến mua 135 bộ NGJ trang bị cho tiêm kích EA-18G và có thể là các máy bay trong tương lai.Điều này sẽ hữu ích trong môi trường tác chiến hiện đại ngày nay do công nghệ tàng hình không còn giữ vai trò chủ đạo hoặc tỏ ra kém hiệu quả trước các công nghệ phòng không hiện nay. Hệ thống tên lửa phòng không S-300 hay S-400 của Nga ngày càng có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở khoảng cách xa hơn với dải tần rộng hơn, chưa kể các hệ thống tối tân hiện nay và trong tương lai sử dụng bộ xử lý máy tính nhanh hơn nhiều, công nghệ kỹ thuật số và kết nối mạng nhiều hơn.

"Đây là một cột mốc quan trọng với tác chiến điện tử. NGJ là bộ gây nhiễu thông minh chứa công nghệ tấn công điện tử tối tân hiện nay và có thể dễ dàng thích ứng khi môi trường đe dọa thay đổi, giúp chiến đấu cơ của chúng ta hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn", Rick Yuse, giám đốc Các hệ thống Không quân và Vũ trụ của hãng Raytheon, nhấn mạnh.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật