Hé mở bí ẩn lệnh cấm sở hữu vàng gây sốc nước Mỹ kéo dài 40 năm: Vì sao vàng 'nguy hiểm hơn cả súng'?

15/05/2025 08:59:24

Ngày 2/1/1975 đánh dấu một chương mới đầy kịch tính trong lịch sử tài chính Mỹ. Sau hơn bốn thập kỷ bị xiềng xích, cuối cùng lệnh cấm sở hữu vàng đối với người dân Mỹ đã được dỡ bỏ.

Sự kiện này khép lại một giai đoạn kỳ lạ, khi thứ kim loại quý này từng bị coi là mối đe dọa, thậm chí còn bị đối xử khắt khe hơn cả vũ khí cá nhân tại xứ sở cờ hoa.

Nhiều người vẫn tự hỏi, vì sao nước Mỹ – nơi đồng đôla được ví như "Mỹ kim" với nền tảng ban đầu là vàng, nơi quyền tự do mua súng được đề cao – lại có thể cấm người dân nắm giữ kim loại quý này? Phải chăng, trong mắt chính quyền, vàng ẩn chứa một mối nguy hiểm vượt xa khả năng sát thương vật lý của súng đạn?

Quan điểm gây sốc được đặt ra: Súng có thể cướp đi mạng sống, nhưng vàng lại có sức mạnh "giết chết tâm trí con người". Và lẽ dĩ nhiên, việc kiểm soát suy nghĩ, tâm trí của con người luôn là bài toán khó hơn nhiều so với việc đoạt đi sinh mạng.

Hé mở bí ẩn lệnh cấm sở hữu vàng gây sốc nước Mỹ kéo dài 40 năm: Vì sao vàng 'nguy hiểm hơn cả súng'?
Chính sách vàng ở mỗi quốc gia lại có đặc thù riêng

Hành trình đến với một hệ thống tiền tệ ổn định của Mỹ đầy chông gai. Khi Vương quốc Anh cùng nhiều nước châu Âu khác đã áp dụng chế độ Bản vị Vàng từ đầu thế kỷ XIX, Mỹ vẫn bị xem là một "vùng hoang dã" về tài chính.

Thiếu vắng một Ngân hàng Trung ương hiện đại và hệ thống tiền tệ thống nhất, nước Mỹ trải qua một thế kỷ XIX đầy biến động với vô số loại tiền tệ chồng chéo: từ tiền giấy thuộc địa, chế độ song song vàng-bạc, đồng bạc xanh Lincoln cho đến việc mỗi ngân hàng đều có thể phát hành tiền giấy riêng.

Thế kỷ XIX là giai đoạn 100 năm tranh cãi, thử nghiệm không ngừng và cực kỳ hỗn loạn của hệ thống tiền tệ Mỹ. Điều nghịch lý là trong bối cảnh đó, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vũ bão, vươn mình từ một thuộc địa yếu kém thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Phải đến khi trở nên hùng mạnh về kinh tế, Mỹ mới cảm thấy sự "bất nhã" của hệ thống tiền tệ chắp vá. Dù của cải và quyền lực liên tục đổ về, nền tảng tiền tệ vẫn rời rạc và hỗn loạn. Mãi đến năm 1900, Mỹ mới chính thức áp dụng chế độ Bản vị Vàng, ấn định 1 ounce vàng tương đương 20,67 đôla.

Thế chiến I bùng nổ đã vô tình biến Mỹ thành "trọc phú". Lượng vàng khổng lồ từ châu Âu đổ về ồ ạt, châm ngòi cho giai đoạn bùng nổ kinh tế rực rỡ những năm 1920, kéo theo đó là bong bóng kinh tế khổng lồ. Bi kịch ập đến vào năm 1929 khi thị trường chứng khoán sụp đổ, tiếp sau đó là cuộc khủng hoảng ngân hàng quy mô lớn năm 1931. Sự hoảng loạn bao trùm, người dân ồ ạt rút tiền tiết kiệm để đổi lấy vàng, đẩy hàng nghìn ngân hàng đến bờ vực phá sản.

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng diễn ra vào ngày 3/3/1933. Cơn "sóng thần rút vàng" từ cả trong và ngoài nước khiến lượng vàng dự trữ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York bốc hơi với tốc độ chóng mặt. Hệ thống Ngân hàng Trung ương Mỹ đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện nếu Tổng thống Roosevelt không có hành động quyết liệt ngay lập tức. Cần nhấn mạnh, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York khi đó là một công ty tư nhân.

Ngày 4/3/1933, điều đầu tiên Tổng thống Roosevelt làm sau khi nhậm chức là ban bố đóng cửa tạm thời toàn bộ hệ thống ngân hàng quốc gia trong mười ngày. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn ngưng trệ hoạt động ngân hàng và tiền tệ trong suốt mười ngày.

Tiếp đó, ngày 11/3, Roosevelt ban hành chính lệnh yêu cầu các ngân hàng ngừng trao đổi vàng dưới danh nghĩa "ổn định nền kinh tế". Đỉnh điểm là ngày 5 tháng 4, một lệnh cưỡng chế lịch sử được ban ra: mọi công dân Mỹ phải giao nộp tất cả số vàng họ đang nắm giữ cho chính phủ với giá 20,67 đôla/ounce. Ngoại trừ tiền vàng quý hiếm và đồ trang sức, bất kỳ ai bị phát hiện giấu vàng sẽ đối mặt với án tù mười năm và phạt 250.000 đôla.

Tháng 1/1934, "Đạo luật dự trữ vàng" được thông qua, đồng đôla chính thức bị phá giá mạnh xuống còn 35 đôla đổi 1 ounce vàng. Trớ trêu thay, công dân Mỹ vừa bị buộc phải giao nộp vàng chỉ vài tháng trước đó, giờ đây những tờ đôla họ nhận lại đã mất giá hơn một nửa.

Lệnh cấm khẩn cấp năm xưa của Roosevelt đã kéo dài tới hơn 40 năm đầy bí ẩn. Tình trạng này càng trở nên khó hiểu hơn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Mỹ sở hữu tới 2/3 trữ lượng vàng toàn cầu và GDP chiếm một nửa GDP thế giới, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm công dân sở hữu vàng mà không có lý do rõ ràng.

Đây được xem là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy mục tiêu cốt lõi của chính sách này: tách rời vàng khỏi đời sống kinh tế hàng ngày của người dân Mỹ. Trên thực tế, nước Mỹ dường như đã sớm hạ quyết tâm "soán ngôi vàng", sử dụng đồng đôla để khẳng định vị thế thống trị trên trường quốc tế.

PV (SHTT)

Nổi bật