Hệ lụy từ việc Tổng thống Iran Raisi tử nạn

20/05/2024 14:43:39

Sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và các quan chức khác được xác nhận thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5, thế giới đang nghĩ đến hậu quả và tác động đối với những mối quan hệ địa - chính trị ở khu vực và trên thế giới.

Hệ lụy từ việc Tổng thống Iran Raisi tử nạn
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được xác định đã thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5. (Ảnh: Reuters)

Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm rất quan trọng đối với khu vực Tây Á. Trong 7 tháng qua, Israel tiến hành chiến dịch tấn công vào Dải Gaza để đáp trả lực lượng Hamas. Tehran được cho là đang hỗ trợ Hezbollah mở mặt trận từ hướng Li-băng để chống lại Tel Aviv.

Nhưng thù địch giữa Israel và Iran leo thang đáng kể khi Iran phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái vào Israel trong tháng trước, nhưng hầu hết bị bắn hạ. Tel Aviv đáp trả bằng cuộc tấn công hạn chế vào hệ thống phòng thủ tên lửa ở tỉnh Isfahan của Iran, nơi đặt một cơ sở làm giàu urani.

Trong bối cảnh đó, vụ rơi trực thăng khiến Tổng thống Raisi thiệt mạng làm dấy lên làn sóng suy đoán. Cho đến nay, truyền thông nhà nước Iran gọi đây là vụ tai nạn. Bất cứ điều gì chỉ ra sự liên quan của bên khác chắc chắn sẽ càng làm leo thang căng thẳng ở khu vực vốn cực kỳ nhạy cảm.

Chính sách của Iran với các quốc gia khác có thể sẽ không thay đổi nhiều, vì Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei là người nắm quyền quyết định.

Mỹ, một đồng minh mạnh mẽ của Israel, chưa đưa ra phản ứng chính thức về sự ra đi của ông Raisi, nhưng báo chí đưa tin Tổng thống Joe Biden đã được báo cáo về tình hình.

Vài năm qua chứng kiến ​​những diễn biến quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Iran xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump thời điểm đó rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung, tức thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, và khôi phục các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Tehran. Điều này khiến Iran vi phạm giới hạn hạt nhân nêu ra trong thỏa thuận.

Từ khi lên nắm quyền năm 2021, Tổng thống Raisi giữ lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.

Iran cũng trở thành một trong những đồng minh quan trọng của Nga sau khi Mátxcơva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Phương Tây cho rằng Tehran cung cấp máy bay không người lái giúp lực lượng Nga có thêm một phương tiện tấn công hiệu quả trên chiến trường Ukraine, dù Iran bác bỏ.

Theo các nhà quan sát, những gì diễn ra trong vài ngày tới, nhất là nguyên nhân vụ tai nạn mà Iran kết luận, sẽ có thể quyết định liệu Mỹ và Iran có thể tìm ra cách thoát khỏi hàng loạt cuộc khủng hoảng xảy ra đồng thời hay không.

Ông Raisi đóng vai trò gì trong việc Tehran đưa ra quyết định quan trọng về chiến lược hạt nhân của nước này vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Chương trình này thuộc kiểm soát của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở Iran.

Mới tuần trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian, người cũng có mặt trên chiếc trực thăng gặp nạn, có cuộc gặp giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi, trong bối cảnh cơ quan này đang yêu cầu được tiếp cận nhiều hơn các cơ sở hạt nhân rộng lớn của Iran.

Chương trình hạt nhân và vấn đề liệu Iran có tìm kiếm vũ khí hạt nhân để sở hữu công cụ mặc cả lớn hơn hay không đang đè nặng lên các cuộc đối đầu khác trong khu vực.

Việc Iran trang bị vũ khí cho lực lượng Houthi ở Yemen, hỗ trợ cho Hamas và Hezbollah được đẩy mạnh hơn dưới thời Tổng thống Raisi. Các quan chức ở Washington gần đây cảnh báo rằng khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần, nỗ lực tấn công mạng của Iran sẽ gia tăng.

Iran sẽ phải tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 50 ngày. Vẫn còn phải xem ai sẽ được chọn làm tổng thống tiếp theo và ai sẽ kế nhiệm nhà lãnh đạo tối cao.

Giới quan sát dự đoán phe bảo thủ sẽ tiếp tục thắng thế ở Tehran, khi nước này đang đối mặt với những áp lực bên trong và bên ngoài to lớn.

Theo Thu Loan (Tiền Phong)

Nổi bật