Theo thông tin mới nhất được tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya công bố rạng sáng 15/9, số người thiệt mạng trong thảm họa vỡ đập ở nước này đã lên tới hơn 11.300 trường hợp, khi các nỗ lực tìm kiếm thi thể tại thành phố Derna vẫn tiếp tục.
CNN cho biết có ba yếu tố chính đã góp phần tạo ra thảm họa vỡ đập ở Libya.
Gió bão dữ dội
Theo CNN, bão Daniel sau khi càn quét các quốc gia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, đã trở thành một cơn bão Địa Trung Hải, hình thái khí tượng hiếm gặp tại đây. Bão Daniel càng mạnh hơn khi nó quét qua những vùng nước ấm bất thường ở Địa Trung Hải, trước khi trút mưa xuống Libya hôm 10/9.
Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất những hiện tượng thời tiết cực đoan. Những vùng nước ấm có thể ‘cung cấp năng lượng’ giúp bão phát triển mạnh, trong khi khí hậu ấm hơn giúp độ ẩm ở mức cao và lượng mưa lớn hơn.
Giáo sư thủy văn học Hannah Cloke thuộc trường Đại học Reading (Anh) nói rằng, những cơn bão “đang trở nên dữ dội hơn bởi biến đổi khí hậu”.
Lịch sử của những trận lũ lụt
Theo một bài nghiên cứu được Đại học Sebha (Libya) xuất bản năm ngoái, Derna rất dễ hứng chịu các trận lũ lụt, và nhiều hồ chứa nước tại các con đập ở thượng nguồn đã gây ra ít nhất 5 trận lũ lụt thảm khốc kể từ 1942 và lần gần nhất xảy ra năm 2011.
Cả hai con đập bị vỡ, Derna và Mansour, đều được xây dựng bởi một công ty có trụ sở ở Nam Âu lần lượt trong các năm 1973 và 1977. Đập Derna cao 75m với sức chứa lên tới 18 triệu m3 nước, trong khi đập Mansour cao 45m và có sức chứa 1,5 triệu m3. Theo tuyên bố của Phó thị trưởng Derna Ahmed Madroud, cả hai đập đều không được bảo trì kể từ năm 2002.
Bài nghiên cứu từng đưa ra cảnh báo rằng, các con đập ở thượng nguồn Derna “tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt cao, và việc bảo trì định kỳ là cần thiết để ngăn chặn thảm họa lũ lụt”.
“Tình hình hiện nay ở hồ chứa Wadi Derna cần được nhà chức trách tiến hành bảo trì định kỳ các con đập. Vì khi có lũ lớn, hậu quả sẽ rất thảm khốc với người dân sống ở thung lũng và thành phố Derna. Chúng tôi cũng phát hiện xung quanh dòng chảy thiếu thảm thực vật thích hợp để ngăn sự xói mòn đất. Người dân trong khu vực cần nhận thức về sự nguy hiểm của lũ lụt”, bài nghiên cứu nêu.
Theo CNN, tình hình chính trị Libya bất ổn trong nhiều năm qua cũng góp phần khiến cơ sở hạ tầng của thành phố Derna xuống cấp, khiến nơi đây không đủ nguồn lực để đối phó với những trận lũ lụt gây ra bởi bão Daniel.
Thiếu những lời cảnh báo
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, giáo sư Petteri Taalas trong cuộc họp báo hôm 14/9 nói rằng, những lời cảnh báo có hiệu quả hơn sẽ khiến mức độ thương vong tại thành phố Derna ở mức thấp nhất.
Tuy nhiên, theo giáo sư thủy văn học Cloke, sẽ rất khó để có thể đưa ra các dự đoán về những vụ vỡ đập. “Chúng ta thấy được một lượng nước khổng lồ như vậy, và đang nuốt chửng toàn bộ thành phố. Đó là một trong những loại hình lũ lụt tồi tệ nhất từng xảy ra. Mặc dù những con đập được thiết kế để chống chọi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhưng như vậy là chưa đủ”.
Theo chuyên gia này, nguy cơ thời tiết cực đoan do khí hậu gây ra không chỉ đe dọa tới những con đập mà còn tất cả mọi thứ từ các công trình cho tới nguồn cung cấp nước. “Chúng ta chưa sẵn sàng cho những thảm họa thời tiết cực đoan sắp xảy đến”, bà Cloke nhấn mạnh.
Theo Tuấn Trần (VietNamNet)