Lutfi Dervishi (ngồi giữa), bị kết án 8 năm tù vì thực hiện ít nhất 24 ca ghép thận bất hợp pháp. |
Tờ Daily Mail (Anh) cho biết, trẻ em và phụ nữ được các băng nhóm đưa đến Anh nhằm khai thác nội tạng để bán cho bệnh nhân đang có nhu cầu cấy ghép. Họ được cho là đến từ một quốc gia châu Phi hoặc châu Á. Cảnh sát và cơ quan di trú Anh đã phát hiện những nghi ngờ trong hoạt động nhập cảnh của họ và quyết định điều tra để tìm ra chân tướng vụ việc.
Mặc dù, thị trường đen buôn bán nội tạng người ở Anh diễn ra sôi động nhưng những vụ bị phát hiện, đưa ra ánh sáng lại rất ít. Trường hợp buôn bán nội tạng bị phát hiện ở Anh đầu tiên vào năm 2011. Hai năm sau, cảnh sát phát hiện thêm một cô gái được đưa đến từ Somalia với mục đích lấy nội tạng để bán cho các bệnh nhân tuyệt vọng đang chờ được cấy ghép.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, "mặt hàng" được tìm kiếm nhiều nhất là tim, phổi và gan. Đây là những bộ phận có thể được lấy ra từ một người mà chưa gây tổn hại nghiêm trọng ngay đến sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 7.000 quả thận được buôn bán bất hợp pháp mỗi năm trên thế giới.
Đường dây buôn bán nội tạng hoàn hảo
Sở dĩ thị trường chợ đen buôn bán nội tạng khó bị phát hiện là nhờ những đường dây hoạt động khép kín. Theo đó, một số người chuyên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, tức những người có nhu cầu ghép nội tạng, trong khi những người khác tìm kiếm nguồn cung cấp. Có những người chuyên thực hiện nhiệm vụ đưa nạn nhân đến Anh và điều đáng nói là, có sự tham gia của các chuyên gia y tế trong việc lấy nội tạng để bán. Theo cảnh sát Anh, hiện nay, nạn nhân của đường dây buôn bán người không chỉ bị bóc lột tình dục, trở thành nô lệ thời hiện đại, mà còn bị đánh cắp nội tạng. Buôn bán người, đánh cắp nội tạng là một loại hoạt động tội phạm xuyên biên giới.
Chloe Setter, nhân viên của tổ chức bảo vệ trẻ em từ thiện ECPAT UK nhận định, những vụ buôn bán nội tạng bị phát hiện mới chỉ là "đỉnh của tảng băng trôi". "Mổ đánh cắp nội tạng khá phổ biến ở nhiều quốc gia và chúng tôi đã cảm thấy tự tin khi hệ thống luật pháp và quy trình liên quan đến cấy ghép nội tạng ở Anh khá chặt chẽ.
Tuy nhiên, có thể một điều gì đó đang xảy ra dưới lòng đất và ngoài tầm nhìn mà chúng tôi chưa được biết tường tận. Những kẻ buôn người nhắm mục tiêu vào đối tượng dễ bị tổn thương nhất là trẻ em, những người sống trong nghèo đói, người tị nạn và dân di cư. Đó là những con người đang tuyệt vọng và dễ bị dụ dỗ", Chloe Setter nói.
Nỗi ám ảnh lâu dài với các nạn nhân
The Salvation Army, một tổ chức chuyên hỗ trợ các nạn nhân của tội phạm buôn người đã có nhiều hoạt động tích cực kể từ khi đi vào hoạt động năm 2011. The Salvation Army đã mang đến cho nạn nhân ngôi nhà an toàn cũng như các dịch vụ chăm sóc y tế, tư vấn pháp lý.
Anne Read, một nhân viên của Salvation Army cho biết, "Salvation Army đang hoạt động rất tích cực với nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán người và nội tạng. Các băng nhóm tội phạm kiếm được khoản lợi nhuận rất lớn từ chính các nạn nhân. Nạn nhân bị tổn thương nặng nềì cả về thể chất lẫn tinh thần. Người phụ nữ được cảnh sát Anh giải cứu năm 2011 là một ví dụ. Khi đến với chúng tôi, cô ấy rất sợ hãi và gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn”.
Nhu cầu đối với việc ghép nội tạng vượt quá khả năng cung cấp ở hầu hết các quốc gia. Ở nhiều nơi, thời gian bệnh nhân chờ được ghép nội tạng có thể tính bằng năm. WHO cho biết, khoảng 10% trong tổng số 63.000 ca ghép thận được thực hiện hàng năm trên toàn thế giới là "xuyên quốc gia", tức là người cung cấp thận và người được ghép thận không cùng chung quốc tịch. Trên toàn thế giới, ít nhất 200.000 người đang sống trong tình trạng chờ đợi được ghép thận. Theo WHO, một quả tim có thể được bán trên thị trường chợ đen với giá 1 triệu bảng, tuyến tụy hoặc gan có giá khoảng 500 nghìn bảng Anh.