Khoảnh khắc nghi phạm xả súng điên cuồng vào những người có mặt tại nhà thờ ở New Zealand
Vụ xả súng tại New Zealand ngày hôm nay (15/3) đã khiến hơn 100 người thương vong, ít nhất 49 người thiệt mạng và là một trong những vụ tấn công khủng bố "chưa bao giờ xảy ra" trên lãnh thổ quốc gia này. Thủ tướng New Zealand đã kịch liệt lên án hung thủ và bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân cùng gia đình.
Trong một số hình ảnh được đăng tải, có thể thấy khá rõ những dòng chữ được ghi trên vật dụng của các tay súng. Ban đầu, các dòng chữ được cho là tên đồng phạm của những tay súng. Tuy nhiên, trên thực tế, đây đều là tên các danh nhân có thật trong lịch sử.
- Dmitry Senyavin: tên đầy đủ là Dmitry Nikolayevich Senyavin (1763-1831), ông là một đô đốc hải quân người Nga, được mệnh danh là một trong những tướng lĩnh vĩ đại nhất trên biển trong giai đoạn Chiến tranh Napoleon.
- Serban Cantacuzino (1640-1688): ông là Hoàng tử và người trị vì của Wallachia (một vùng đất lịch sử thuộc Romania ngày nay) trong giai đoạn năm 1678-1688.
- Edward Codrington (1770-1851): ông là một thuyền trưởng người Anh, từng tham gia các trận đánh Trafalgar và trận đánh Navarino nổi tiếng.
- Marco Antonio Bragadin (1523-1571): ông là một luật sư và sĩ quan quân sự tại Venice. Trong năm 1560 và năm 1566, ông được chỉ định làm chỉ huy tàu mặc dù chưa bao giờ có cơ hội thực sự điều hành tàu.
- Ernst Rüdiger Starhemberg (1899-1956): ông là một chính trị gia dân tộc và bảo thủ người Áo trước Thế Chiến II, một nhà lãnh đạo thuộc Mặt trận Tổ quốc Áo.
- Arianiti (dòng chữ góc bên trái): Arianiti là tên một gia đình quý tộc Albania từng cai trị một vùng rộng lớn ở Albania và các khu vực lân cận từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 16.
- Sebastinao Venier (1496-1578): ông là tổng trấn Venice từ tháng 6/1577 đến tháng 3/1578. Ông được ca ngợi với vai trò đô đốc của người Venice trong Trận chiến Lepanto.
- Marcantonio Colonna (1535-1584): ông là một quý tộc người Ý, từng là tổng trấn Sicily. Ông từng là đô đốc của hạm đội Papal trong Trận chiến Lepanto.
- Dòng chữ "Josue MH Sigis": Hiện chưa rõ ý nghĩa của hàng chữ này.
Như vậy, có thể thấy các tay súng có sự "thần tượng" nhất định đối với các danh nhân trong lịch sử. Những hàng chữ được ghi trên vũ khí của chúng không phải là tên đồng phạm như một số nguồn tin đã đưa. Ngoài ra, việc này còn cho thấy các tay súng đã có kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết cho vụ xả súng kinh hoàng tại New Zealand.
Theo Tất Đạt (Soha/Trí Thức Trẻ)