Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau khoảng 2 tiếng vào hôm nay (27/2), bắt đầu vòng đàm phán về phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ 2 nước và duy trì hòa bình.
Hai nhà lãnh đạo lên kế hoạch đến khách sạn Sofitel Legend Metropole lúc 6 giờ 30 phút tối và có cuộc gặp một - một trong 20 phút trước khi cùng dùng bữa tối dự kiến kéo dài hơn một tiếng, theo thông tin từ Nhà Trắng.
Về phía Mỹ, các quan chức sẽ cùng tham dự gồm có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, người nổi tiếng với quan điểm diều hâu về vấn đề Triều Tiên, đã có mặt tại Hà Nội nhưng không được mời.
Trong khi đó, ông Kim Jong Un sẽ đi cùng Kim Yong-chol, quan chức hàng đầu của đảng Lao động Triều Tiên đã gặp Tổng thống Trump ở Washington D.C và một người nữa chưa biết tên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đưa cả em gái, cũng là cố vấn quan trọng Kim Yo-jong tham dự.
Các cuộc đàm phán chính thức về các vấn đề cốt lõi và nhạy cảm dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Năm (28/2) ngày cuối cùng của phiên họp tại Hà Nội. Đặc phái viên hạt nhân cao cấp của hai bên được cho là đã soạn thảo một tuyên bố chung nhưng các vấn đề nhạy cảm vẫn để trống và phụ thuộc thương lượng của các nhà lãnh đạo.
Sau khi đến khách sạn tại Hà Nội hôm 26/2, ông Kim Jong Un đã có bản báo cáo ngắn "chi tiết" từ các nhà đàm phán phía Triều Tiên, hãng thông tấn nhà nước của Bình Nhưỡng, KCNA, đưa tin.
Điều đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế hiện nay là liệu các nhà lãnh đạo sẽ đạt được những thỏa thuận có ý nghĩa về số phận của khu hạt nhân Yongbyon, trung tâm của chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các cơ sở lớn khác có liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ưu tiên của Tổng thống Trump là giành được thỏa thuận đóng băng hoạt động các khu hạt nhân.
Khả năng tốt nhất cho Tổng thống Trump là có được lời hứa đóng cửa khu Yongbyon của ông Kim Jong Un theo cách có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, cộng với tiến trình cụ thể về phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Trong khi đó, những lợi ích tiềm năng cho Bình Nhưỡng bao gồm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, nới lỏng các biện pháp trừng phạt và tiếp tục đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Theo Minh Khôi (Soha/Trí Thức Trẻ)