Sự việc xảy ra tại một trường tiểu học ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, tờ SCMP đưa tin. Cậu bé 7 tuổi được nhắc đến có tên Hiểu Minh (Xiaoming), nổi tiếng trong trường với những hành vi hung hăng, đánh đập, xúc phạm bạn học.
Dù đã bị giáo viên cùng nhà trường nhiều lần khiển trách, tuy nhiên Hiểu Minh vẫn không ăn năn, hối cải. Điều này đã khiến 46 phụ huynh trong lớp học yêu cầu nhà trường phải chuyển trường cậu học trò này trước ngày 30/4. Không những vậy, cha mẹ những học sinh trong lớp còn yêu cầu nhà trường lắp đặt camera trực tuyến để họ tiện theo dõi con em mình.
Đỉnh điểm nhất khiến "cốc nước tràn ly" là vào hôm 29/3, Hiểu Minh đã tiếp tục đá một bạn cùng lớp 3 lần trong khi ngay vừa hôm trước đứa trẻ này cũng bị giáo viên khiển trách vì đã bắt nạt bạn học khác.
Sau vụ ẩu đả ngày 29/3, cả bố mẹ Hiểu Minh và phụ huynh các em khác đã cho học sinh này đi kiểm tra y tế. Tuy nhiên, "vẫn chứng nào tật nấy", Hiểu Minh vẫn không hề thay đổi và tiếp tục bắt nạt các bạn khác, CNR News đưa tin.
Tình trạng bạo lực học đường do Hiểu Minh là nguyên nhân càng lúc khiến các phụ huynh trong lớp thêm bức xúc khi gần đây nhất là hôm 1/4, họ đã gửi đơn yêu cầu lên ban giám hiệu nhà trường chuyển cậu học sinh ngỗ ngược này sang trường khác.
Tuy nhiên, theo bà Vương (Wang), mẹ của Hiểu Minh vẫn bênh vực cậu con trai mình khi cho rằng đứa trẻ đang mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Người phụ nữ cũng cho biết, trước đó chị đã cho con mình đi kiểm tra y tế.
"Kết quả kiểm tra cho thấy con tôi có thể mắc chứng ADHD, nhưng bác sĩ không có chẩn đoán chính thức hoặc kê thuốc điều trị", chị Wang nói.
Mặc dù vậy, ban giám hiệu nhà trường vẫn quyết định bác bỏ những lời giải thích này của bà Vương và cho biết, tuy đứa trẻ mới nhập học vào tháng 2, nhưng đã liên tục vi phạm các vấn đề về kỷ luật thậm chí còn có hành vi hung hăng với các bạn cùng lớp. Ngày 1/4, cậu bé đã được bố mẹ đón về nhà và đang học trực tuyến.
Được biết, Hiểu Minh sẽ quay lại trường vào tháng 5, sau khi nhà trường có kế hoạch đánh giá lại hành vi của em và cân nhắc việc cho phép bố mẹ sẽ ở lớp học cùng học sinh này trong một thời gian.
Câu chuyện của Hiểu Minh sau đó đã khiến mạng xã hội Trung Quốc nổ ra cuộc tranh luận giữa các bậc phụ huynh. Nhiều người có hoàn cảnh tương tự bày tỏ sự thất vọng và bức xúc.
"Tôi cũng là người mắc ADHD, nhưng hiếm khi làm phiền các bạn học khác. ADHD không đồng nghĩa với hành vi xấu", một cư dân mạng cho biết.
"Đây không chỉ là vấn đề ADHD. Đó là thiếu kỷ luật. Con trai của hàng xóm tôi ở trường mầm non rất hỗn hào và hung hăng, nhưng bố mẹ lại nghĩ cháu ấy là đứa trẻ có năng khiếu", một người khác bình luận.
"Tất cả chúng ta đều có thể hiểu được sự bức xúc của 46 vị phụ huynh đã gửi đơn khiếu nại", một người khác viết.
Theo SCMP, bắt nạt học đường đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tháng 3/2024, một học sinh tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã bị 6 bạn cùng lớp hành hung dã man, đến mức nạn nhân phải quỳ gối và ăn thủy tinh.
Cùng khoảng thời gian đó, một học sinh ở tỉnh Hà Bắc nước này từng bị bạn bè bắt nạt trong thời gian dài đã bị sát hại. Thi thể của em được chôn trong nhà kính bỏ hoang, mặt mũi biến dạng do bị đánh bằng xẻng.
Để ứng phó với tình trạng bạo lực học đường leo thang, trường Aofeng ở tỉnh Phúc Kiến đã lắp đặt hệ thống báo động trong khuôn viên trường, bao gồm cả nhà vệ sinh.
QT (SHTT)