"Hoà nhập và đa dạng là mệnh lệnh đối với doanh nghiệp"
Mặc dù 50% thế giới là nữ giới, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên trong các doanh nghiệp không luôn phản ánh tỉ lệ này. Theo báo cáo Phụ nữ trong Doanh nghiệp (Women in Business report 2020) công bố năm nay, tỉ lệ nữ quản lý cấp cao trên toàn cầu đạt 29%, và đây là tỉ lệ cao nhất trong lịch sử.
Bà Silke Muenster, Giám đốc Đa dạng của Tập đoàn Philip Morris International (PMI), cho biết các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã nhận ra sự hòa nhập và đa dạng là một mệnh lệnh đối với doanh nghiệp. Có tỉ lệ cân bằng nam - nữ ở mọi cấp bậc, vị trí mang đến những thay đổi tích cực như thúc đẩy tư duy đổi mới trong giải quyết vấn đề, có các quyết định toàn diện hơn nhất là khi cần các kỹ năng, góc nhìn và ý tưởng mới lạ - những yếu tố chỉ đến từ văn hóa doanh nghiệp tôn vinh sự hòa nhập và đa dạng.
"Tại Việt Nam, chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định trong việc thực hiện cam kết không ngừng tăng cường lực lượng lãnh đạo nữ cho PMI. Hiện tại, 56% các vị trí lãnh đạo của chi nhánh đang được nắm giữ bởi nữ giới, tăng 13% so với năm 2019" - bà Muenster nói.
Một cơ hội đặc biệt khác mà qua đại dịch COVID-19, nhiều công ty đã chứng minh rằng đó là dù buộc phải "đóng cửa" ở các mức độ khác nhau, doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động bình thường ngay cả khi người lao động làm việc từ xa. Thậm chí điều này diễn ra suôn sẻ không ngờ.
Đây sẽ là điều bình thường mới ở lại với chúng ta sau khi COVID-19 đã lùi xa. Do đó, tiến lên hay tụt lại phía sau, các doanh nghiệp toàn cầu cần phải chuyển đổi, thích nghi với xu hướng làm việc linh động, cho phép người lao động lựa chọn nơi họ ngồi làm việc một cách thoải mái và hạnh phúc nhất, kể cả các vị trí trước đây đòi hỏi phải ra nước ngoài để điều hành (do trước đây phụ nữ thường từ chối các cơ hội này).
Bà Silke hi vọng sự thay đổi này sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn Phụ nữ lãnh đạo, thảo luận cách chúng ta "xây dựng lại tốt hơn" hậu COVID-19 của tạp chí Financial Times, bà Tera Allas, Giám đốc Nghiên cứu và Kinh tế của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ McKinsey & Company, chia sẻ: "Mặc dù không có mô hình lý tưởng nào phù hợp cho mọi công ty, tôi không nghi ngờ gì về việc sẽ có nhiều phụ nữ chọn làm việc từ xa hơn nam giới trong tương lai".
Thực tế tại Anh cho thấy nhiều phụ nữ chỉ vì phải đưa đón con đi học mà từ chối các công việc tốt ở trung tâm thủ đô London do không có thời gian di chuyển. Do đó, một khi không phải làm việc ở văn phòng, đây sẽ là thay đổi vô cùng đáng kể với phụ nữ đi làm, cho phép họ chọn những công việc mà trước đây đành chậc lưỡi bỏ qua.
Sự chuyển dịch toàn cầu này cũng xuất hiện tại Việt Nam bắt đầu với một số công ty cho phép người lao động hoặc các bộ phận làm việc luân phiên 50% từ xa, 50% tại văn phòng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Giám đốc Văn hóa và Con người của PMI tại Việt Nam, cho biết: "Ngay khi chính phủ Việt Nam công bố dịch COVID-19, chúng tôi lập tức triển khai làm việc tại nhà cho nhân viên".
"Đến nay, PMI tại Việt Nam vẫn đang giữ vững tinh thần chống dịch cao, lấy sức khỏe và an toàn của nhân viên làm trọng tâm, đảm bảo tuân thủ các quy định chống dịch của Chính phủ và tập đoàn PMI, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả nhân viên thay phiên nhau làm việc tại văn phòng trên tinh thần tự nguyện. Sự linh hoạt này đã cho phép toàn thể nhân viên khối văn phòng và đặc biệt là nhân viên nữ có thể chủ động cân bằng công việc, sự nghiệp với cuộc sống gia đình".
Rút ngắn khoảng cách bình đẳng giới
Báo cáo tháng 4-2020 của Liên Hiệp Quốc xác nhận dịch COVID-19 khiến phụ nữ và trẻ em gái, vốn là những người có thu nhập và tiền tiết kiệm ít hơn, làm công việc ít ổn định hơn, rơi vào nguy cơ nghèo đói.
Một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Harvard mới đây khẳng định dù tỉ lệ việc làm của phụ nữ toàn cầu chỉ 39%, tỉ lệ mất việc do ảnh hưởng của COVID-19 của họ lại là 54%, cho thấy phụ nữ bị tổn thương nhiều hơn nam giới về kinh tế và công việc.
Theo bà Claire Barnett, Giám đốc của Tổ chức UN Women UK tại một diễn đàn trong tháng 10 của tạp chí Financial Times: "Những tiến bộ về bình đẳng giới không diễn ra với tốc độ nhanh như mong muốn, thậm chí có nguy cơ đi lùi vài thập kỷ, trong bối cảnh các quốc gia cần chiến lược để phục hồi mạnh mẽ hơn hậu COVID-19, chúng ta cần tăng tốc trong mục tiêu về bình đẳng giới".
Ở cấp độ cá nhân, một trong các gợi ý là cần đẩy mạnh hơn nữa các cơ hội đóng góp công bằng cho cả hai giới ở nơi làm việc cũng như ở nhà, mỗi người thực hiện một hành động cụ thể.
Ở môi trường công sở, sự thay đổi cần diễn ra ở tầm nhìn, quan điểm của cấp lãnh đạo, quản lý, cách đánh giá nhân sự đối với người làm việc ở cơ quan hay tại nhà, trả lương bình đẳng giữa nam và nữ…
Ở tầm quốc gia, các nước cần đưa ra chính sách, mục tiêu và luật hóa các cam kết về bình đẳng giới như chính sách giáo dục, tuyển dụng, trả lương công bằng.
Bà Minh Hằng cho biết: "PMI là công ty đa quốc gia đầu tiên được chứng nhận Bình đẳng về lương thưởng giữa nhân viên nam và nhân viên nữ với quy mô toàn cầu, áp dụng trên hơn 90 quốc gia và gần 100.000 nhân viên".
"Để đạt được chứng chỉ này thì các chi nhánh của PMI toàn cầu sẽ phải trải qua kỳ kiểm toán chặt chẽ của PricewaterhouseCoopers (PWC) không chỉ về bình đẳng giới trong việc chi trả lương, thưởng mà tất cả các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới. Ở Việt nam, chúng tôi đã vượt qua kỳ kiểm toán định kỳ năm nay, thể hiện rõ cam kết "nói đi đôi với làm" của PMI trong việc không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu".
PMI cũng là một trong những tập đoàn triển khai rộng rãi trên 71 quốc gia chính sách nghỉ chăm sóc trẻ sơ sinh cho nhân viên nam có gia đình, góp phần tạo điều kiện cho phụ nữ giảm áp lực chăm lo gia đình, tập trung tốt hơn cho sự nghiệp của mình.
Theo Hồng Vân (Tuổi Trẻ)