Daily Mail hôm 15-1 cho biết hạt bông được nhìn thấy nảy mầm trong một bức ảnh do Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố.
Bức ảnh được đăng tải trên trang Weibo của Trường ĐH Trùng Khánh cho thấy mầm bông phát triển tốt trong điều kiện chân không cao, chênh lệch nhiệt độ lớn, bức xạ mạnh và điều kiện khắc nghiệt.
Ngoài hạt bông, tàu Hằng Nga 4 cũng đưa nhiều loại hạt khác lên mặt trăng – gồm cải dầu, khoai tây, Arabidopsis (cây liên quan đến họ cải), nấm men và trứng ruồi giấm - như một phần của thí nghiệm sinh quyển, đánh dấu lần đầu tiên vật liệu sinh học được trồng trên bề mặt mặt trăng.
Ruồi giấm - còn được gọi là Drosophila - là sinh vật mẫu được sử dụng rộng rãi trong các ngành khoa học sinh học để tìm hiểu cách động vật phản ứng trong các môi trường khác nhau.
Các hạt và trứng được giữ trong một hộp hình trụ nhỏ và dự kiến phát triển bên trong thùng chứa 0,8 lít. Trong hộp có nước, dung dịch dinh dưỡng, không khí và thiết bị bao gồm một camera nhỏ và hệ thống truyền dữ liệu.
Các nhà nghiên cứu hy vọng hạt giống khoai tây và Arabidopsis sẽ phát triển trên mặt trăng sau 100 ngày nữa và được máy ảnh ghi lại, truyền về trái đất, theo một báo cáo từ trang Huanqiu.com. Trứng tằm cũng dự kiến nở thành ấu trùng trước khi phát triển thành sâu bướm tằm. Nghiên cứu này do 28 trường đại học Trung Quốc, dẫn đầu là Trường ĐH Trùng Khánh, tiến hành.
Trước đây, các phi hành gia từng trồng cây trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Gạo và Arabidopsis cũng được trồng trong phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã hồi năm ngoái, người đứng sau chương trình "Sinh quyển thu nhỏ trên mặt trăng" trên tàu Hằng Nga 4, Xie Gengxin, cho biết các thí nghiệm trồng cây có thể báo trước một bước đột phá để tìm hiểu khả năng sống sót của con người trên một hành tinh ngoài trái đất.
Khả năng trồng cây trên mặt trăng là không thể thiếu đối với các sứ mệnh không gian dài hạn, chẳng hạn như một chuyến đi tới sao Hỏa sẽ mất khoảng hai năm rưỡi.
Điều đó có nghĩa là các phi hành gia có thể trồng trọt trong không gian thay vì quay trở lại trái đất để nhận tiếp tế. Ví dụ bông được dùng để may quần áo, khoai tây là nguồn thực phẩm và cải dầu để lấy dầu.
Tân Hoa Xã cho biết đến thời điểm hiện tại, tàu Hằng Nga 4 đã chụp khoảng 170 bức ảnh và gửi trở lại trái đất.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)