Tin tặc từ thuở thiếu thời
Cuộc đời của Kosta được bao quanh bởi máy tính và các trò chơi điện tử. Năm 13 tuổi, Kosta tách mình khỏi sự quan tâm của bố mẹ khi hai người ly dị. Thiếu vắng sự dậy dỗ, Kosta tự đẩy mình vào vòng lao lý chỉ một năm sau đó. Cậu thiếu niên 14 tuổi bị bắt trong một chiến dịch đột kích của FBI.
Án phạt 45 năm tù giam làm thay đổi cuộc đời James Kosta. Ảnh: Corbis |
Kosta bị kết án tổng cộng 44 tội danh liên quan tới các vụ tấn công mạng vào nhiều mạng lưới, trong đó có hệ thống của công ty lớn như GE và IBM. Nó khiến chàng trai 14 tuổi phải đối mặt với mức án 45 năm tù giam. Tuy nhiên, tài năng của Kosta đã không bị lãng phí. Thay vì ngồi cải tạo sau 4 bức tường đá, cậu thiếu niên 14 tuổi được gia nhập CIA.
Kể về quãng đời nông nổi, Kosta, 41 tuổi, cho biết ông sớm kiếm được tiền từ việc tư vấn xây dựng hệ thống máy tính của các trường trung học trong vùng. Năm 13 tuổi, Kosta kiếm được khoảng 1.500 USD/tháng. Rủng rỉnh, cậu thường xuyên trốn học, về nhà muộn và có một cô bạn gái 18 tuổi. Tuy nhiên, cha mẹ Kosta không chấp nhận lối sống buông thả của con nên Kosta nộp đơn lên tòa án để chứng minh cậu có thể tự sống mà không cần cha mẹ hỗ trợ.
Chia sẻ với Huffingtonpost về con đường trở thành tin tặc, Kosta cho biết cậu và một nhóm bạn xấu gặp nhau trên mạng. Họ thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công để đánh cắp thông tin về quân sự và thương mại. Khát vọng trở thành nhóm tin tặc số một khiến họ gây ra nhiều vụ tấn công dù chẳng để làm gì ngoài khoe thành tích.
Hành động dại dột mang lại cho Kosta những rắc rối nằm ngoài sức tưởng tượng của một đứa trẻ 14 tuổi.
“Tôi rất sợ hãi. Khi bạn là trẻ con, cha mẹ bạn luôn đưa ra những lời khuyên răn. Bạn chờ đợi ai đó đến và bảo hãy dừng mấy trò đó lại. Tuy nhiên, tôi không mong ai đó nói với mình như thế. Tôi đã được tòa cho sống tự lập nên tôi phải chịu trách nhiệm về bản thân mình như một người trưởng thành”, Kosta chia sẻ lại cảm xúc sau khi bị bắt.
Con đường trở thành mật vụ CIA
Một năm sau khi thụ án, Kosta được thẩm phán chấp nhận đình chỉ bản án nếu cậu cam kết không phạm thêm tội và gia nhập quân đội khi đủ điều kiện. Chia sẻ về quyết định làm thay đổi cuộc đời mình, Kosta nói: “Tôi nghĩ ông ấy (thẩm phán) thấy tôi là đứa trẻ thông minh nhưng cần phải sống kỷ luật hơn. Tuy nhiên, nếu tôi là một đứa trẻ ngoan, có lẽ tôi khó có thể trải nghiệm được những điều đặc biệt đến vậy”.
Trong thời gian chờ đến tuổi nhập ngũ, Kosta được đưa tới một trại giáo dưỡng dành cho nam thiếu niên ở Santa Barbara, bang California, Mỹ. Ngoài nhiệm vụ cải tạo, những thiếu niên còn là một phần của lực lượng kiểm soát cháy rừng vòng ngoài. Việc được những người lính cứu hỏa dũng cảm, gan dạ coi trọng mang lại nhiều ý nghĩa đối với một đứa trẻ như Kosta.
James Kosta hiện tại kinh doanh trò chơi điện tử sau thời niên thiếu nổi loạn và là hacker. Ảnh: Foxbusiness |
Đủ 18 tuổi, Kosta gia nhập Hải quân Mỹ và làm việc trong một dự án tình báo của Hải quân. Tuy nhiên, đơn vị này được chuyển giao cho CIA nên Kosta trở thành thành viên của cơ quan tình báo Mỹ. Cậu chịu trách nhiệm theo dõi giao dịch ngân hàng của các nhà độc tài và tổ chức cực đoan ở Trung Đông và Bắc Phi.
Sau đó, Kosta tiếp tục xâm nhập vào hệ thống máy tính nằm trong các căn cứ quân sự của đối phương để đánh cắp dữ liệu. Đây được xem là bước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh công nghệ giữa các quốc gia, vốn đang gây chia rẽ mạnh mẽ giữa các cường quốc.
Vài năm sau khi cống hiến cho CIA, Kosta trở về với cuộc sống đời thường năm 1999. Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 chấn động thế giới đã khiến Kosta trở lại làm việc cho Cục tình báo Trung ương Mỹ. Nhiệm vụ của Kosta là thiết kế mô hình giả lập để nhà chức trách có thể đối phó với khủng bố trong trường hợp Las Vegas bị tấn công.
Tình yêu với trò chơi điện tử của Kosta được hồi sinh và khi rời quân ngũ, tin tặc khét tiếng tiếp tục xây dựng sự nghiệp cá nhân bằng việc thành lập công ty chuyên phát triển game thương mại. 4 năm trước, ở tuổi 37, công ty của Kosta đã có doanh thu 10 triệu USD/năm. Cuộc đời được mô tả giống trò chơi điện tử kỳ quái của Kosta đã trở nên có hậu.
Theo Hồng Duy (Zing.vn)