Rubik xuất hiện ở nơi Anima sinh sống là Sundarbans, một khu vực có cảnh quan độc đáo với nhiều con sông, bãi bùn, các hòn đảo và khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới tại bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ. Anh ta nói mình đang đi công tác, rồi tìm cách tán tỉnh và sau đó ngỏ lời xin kết hôn với bé gái, thậm chí gặp mặt cả cha mẹ em.
Anima lớn lên ở một ngôi làng nghèo khó, nơi những ngôi nhà được xây từ bùn và rơm, không có nước sinh hoạt và rất ít cơ hội học hành. Gia đình em với hơn chục thành viên, bao gồm cả người cha bị liệt, cùng cư ngụ trong một ngôi nhà nhỏ.
Những lời đường mật của Rubik khiến bé gái say lòng. “Tôi tin tưởng anh ta và không hề hay biết anh ta sẽ làm những điều tồi tệ gì. Đây là sự nhẹ dạ của tôi”, Anima bộc bạch.
Một ngày nọ, Rubik hẹn gặp Anima ở một nhà ga tàu hỏa địa phương. “Khi tôi đến đó, anh ta nói: ‘Hãy cùng chạy trốn nhé!’. Khi tôi từ chối, ta lấy ra một chiếc khăn tay màu trắng và áp lên mặt tôi. Tôi không còn biết gì nữa và khi tỉnh dậy, tôi thấy mình bị trói và nhốt trong một ngôi nhà lạ”.
Chuyện với Anima trở nên tồi tệ hơn từ đó. Cô bé kể đã bị Rubik đánh đập, tra tấn và hãm hiếp. Sau đó, một nhóm đàn ông tới trói em lại, trùm bao lên đầu và đánh em đến bất tỉnh trước khi chuyển em đến bang Bihar. Tại đây, Anima tiếp tục bị đánh thuốc mê, trói chặt và bị buộc làm nô lệ tình dục.
“Rất nhiều gã đàn ông đã cưỡng bức tôi. Tôi không biết có bao nhiêu người ở đó, có thể khoảng 5 - 6 người”, Anima nhớ lại.
Sau nhiều tuần bị giam cầm, một buổi tối, tòa nhà chìm trong im lặng khác thường. Mặc dù vẫn còn bị trói, nhưng Anima rốt cuộc đã tự thoát ra được, đập vỡ cửa và chạy thục mạng qua những con đường xa lạ của thị trấn nhỏ ở Bihar. Ban đầu, những người lạ phớt lờ tiếng kêu cứu của cô bé. Song, cuối cùng một người thấy thương cảm đã cho cho em mượn điện thoại để gọi cảnh sát.
Vấn nạn hoành hành
Ở hầu hết mọi ngôi làng thuộc Sundarbans đều có các bé gái và đôi khi cả các bé trai phải trải qua chuyện tương tự như Anima. Là một khu vực bị tình trạng nghèo đói bủa vây với khoảng 50% cư dân sống dưới mức nghèo khổ, Sundarbans còn nằm trong số những nơi chịu tác động của khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng nhất.
Đây là khu vực thuộc Ấn Độ hứng chịu lốc xoáy thường xuyên nhất, bao gồm cả 3 trận siêu lốc xoáy trong 4 năm qua, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, tàn phá nhà cửa và sinh kế, đồng thời khiến vùng đất bị nhiễm mặn và khô cằn. Mực nước biển dâng cao làm ngập chìm các hòn đảo thấp và làng mạc.
Các thảm họa khí hậu tái diễn ở đây đã khiến người dân nghèo hơn bao giờ hết. Giữa lúc đó, những kẻ buôn người lũ lượt kéo đến, dụ dỗ cư dân địa phương bằng những lời hứa hẹn hấp dẫn về công việc, hôn nhân hoặc đơn giản là mức sống tốt hơn. Sau khi sập bẫy, hầu hết các nạn nhân nữ bị bọn tội phạm ép làm nghề bán dâm hoặc trở thành lao động khổ sai, bị bán làm cô dâu hoặc nguồn cung máu và nội tạng cho phẫu thuật cấy ghép.
Theo thống kê chính thức, khoảng 8.000 trẻ em đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người trên khắp Ấn Độ kể từ năm 2021, mặc dù con số đó được tin thấp hơn đáng kể so với thực tế. Các chuyên gia cảnh báo, Sundarbans cần được quan tâm đặc biệt vì khủng hoảng khí hậu tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nơi này và khiến nạn lừa đảo, buôn người càng hoành hành dữ dội hơn.
Subhasree Raptan, người điều hành tổ chức phi chính phủ Goranbose Gram Bikash Kendra (GGBK) chuyên giúp đỡ các nạn nhân của tội phạm bắt cóc và buôn người, cho biết mỗi tháng tổ chức nhận tin báo về khoảng 4 vụ liên quan đến trẻ em. Nhiều gia đình thường không biết con em mình bị đem đi bán cho đến nhiều tháng sau đó, khi họ đột nhiên mất liên lạc hoặc không nhận được tiền công của bọn trẻ gửi về. GGBK thường giúp các gia đình nạn nhân nộp đơn tố cáo đến cảnh sát.
Sougata Ghosh, thanh tra cảnh sát ở thị trấn Canning lớn nhất vùng Sundarbans, nói nạn buôn người là một trong những vấn đề nan giải nhất trong khu vực. Bọn tội phạm thường hoạt động theo mạng lưới rộng khắp toàn quốc và thường xuyên trả tiền cho những kẻ cung cấp thông tin địa phương để biết những gia đình nào trong làng dễ bị tổn thương hoặc tuyệt vọng nhất về việc làm.
Theo ông Ghosh, nhờ có mạng lưới cảnh sát liên tiểu bang, họ đã tìm được khoảng 80% các bé gái và phụ nữ bị bắt cóc khỏi khu vực. Tuy nhiên, số liệu của bà Raptan lại cho thấy một bức tranh kém lạc quan hơn. “Có thể rất khó để theo dõi những kẻ buôn người này. Trong 3 năm qua, chúng tôi tiếp nhận báo cáo về 190 trường hợp nghi bị bắt cóc và chỉ có khoảng 50 người được giải cứu. Số còn lại vẫn đang mất tích”.
Đường về nhà trắc trở
Nayani, 17 tuổi, trở thành nạn nhân của bọn buôn người vào năm 2021, khi một bác sĩ ép cô đi cùng anh ta đến Maharashtra để kiếm việc làm. Nayani không muốn đi, nhưng là trụ cột duy nhất của một gia đình 16 người sống chung trong một túp lều nhỏ bằng bùn, cô ấy cảm thấy mình không có lựa chọn nào khác. Một khi rơi vào vòng tay của bác sĩ, cô bị anh ta đánh thuốc mê và liên tục cưỡng hiếp. Anh ta sau đó bán cô vào nhà thổ.
Cuối cùng, người nhà tìm thấy Nayani ở thủ đô New Delhi. “Tôi bị đánh thuốc mê nặng đến mức khi mẹ tôi đến cứu, tôi thậm chí không thể nhận ra mẹ”, Nayani nhớ lại. Cô dính bầu ngoài ý muốn và phải phá thai.
Khi hồi hương, Nayani thấy mình bị người làng tẩy chay. Cô gái trẻ chia sẻ trong nước mắt: “Kể từ khi tôi về, mọi người đều nói tôi là gái hư, tôi đã làm những điều tồi tệ và một công việc bẩn thỉu. Một số chế giễu, làm tôi bẽ mặt. Tôi từng là một người vui vẻ, nhưng biến cố đã cướp đi niềm vui của tôi”.
Quá trình đòi công lý cho những nạn nhân như Nayani cũng đầy gian nan và dễ gây nản lòng. Đối với những người cố gắng theo đuổi các vụ kiện chống lại bọn buôn người, họ phải mất trung bình một thập kỷ để đưa vụ việc ra tòa án. Và nếu tòa mở phiên xét xử, tỉ lệ kết án là dưới 2%. Các băng nhóm buôn người thường trực tiếp đe dọa bạo hành hoặc giết chết các cô gái nếu họ khởi kiện chúng, hoặc gây áp lực lên gia đình để buộc nạn nhân phải rút đơn tố cáo.
Theo bà Raptan, tổ chức GGBK cũng nhiều lần bị những kẻ buôn người đe dọa vì trợ giúp các nạn nhân đòi công lý. Song, bà nhấn mạnh đến sự kiên cường của các nạn nhân và quyết tâm bằng mọi giá đưa những kẻ buôn người vào nhà đá. Hiện có nhiều người đã tham gia mạng lưới của GGBK để giáo dục những người trẻ tuổi khác về sự nguy hiểm của bọn tội phạm.
Tuy nhiên, khi mùa bão một lần nữa đến gần, Raptan đầy lo lắng về tương lai. Bà bày tỏ mong muốn cộng đồng phải đủ kiên cường, chuẩn bị sẵn sàng đối phó thiên tai và có sinh kế thay thế.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)