Hành trình sa ngã của thiếu tá Mỹ bị tố đổi thông tin mật lấy tình dục

13/04/2016 09:15:12

Hải quân Mỹ tin rằng thiếu tá Lin đã lợi dụng chức vụ để tuồn các bí mật quân sự cho nước ngoài để đổi lấy việc quan hệ với gái đẹp.

Hải quân Mỹ tin rằng thiếu tá Lin đã lợi dụng chức vụ để tuồn các bí mật quân sự cho nước ngoài để đổi lấy việc quan hệ với gái đẹp.

Edward C. Lin phát biểu trong một buổi lễ năm 2008. Ảnh: Washington Post

 
Khi Edward C. Lin trở thành một trung úy hải quân, anh được chọn để phát biểu trước một nhóm người sắp trở thành công dân Mỹ giống như anh tại một buổi lễ trang trọng ở Honolulu. Lin và gia đình đã rời Đài Loan đến Mỹ khi anh mới 14 tuổi, và lúc đó, anh đã cần đến một người phiên dịch để giúp mình đăng ký đi học.
 
"Tôi luôn mơ ước được đến Mỹ, đến 'miền đất hứa'. Khi còn nhỏ, tôi tin rằng mọi con đường ở Mỹ đều dẫn đến Disneyland", Lin nói, theo biên bản được lưu giữ của Hải quân về buổi lễ diễn ra vào tháng 12/2008.
 
Thế nhưng hơn 7 năm sau, Lin, giờ là một thiếu tá Hải quân Mỹ, đã bị truy tố với tội danh làm gián điệp và bảo kê mại dâm trong vụ án hiếm hoi liên quan đến một sĩ quan đang tại ngũ của quân đội nước này. Vụ án cũng hé lộ hành trình sa ngã của một sĩ quan đầy hứa hẹn, người bị nghi ngờ đã đánh cắp các bí mật quân sự của Mỹ tuồn cho các đối tác nước ngoài để thỏa mãn đam mê xác thịt, theo Washington Post.
 
Hồ sơ của thiếu tá Lin cho thấy sau khi đến Mỹ cách đây 25 năm, Lin lấy tên mới là Eddy, vì cái tên tiếng Hoa của anh dài tới 20 ký tự. Đến năm 1999, Lin đăng ký gia nhập Hải quân Mỹ, và sau một thời gian phục vụ, anh được cử đi học ở Trường Sĩ quan Chiến tranh Hải quân trong hai năm.
 
Đến tháng 5/2002, anh trở thành thiếu úy hải quân làm việc tại Washington, chuyên về các loại vũ khí và cảm biến trên máy bay chiến đấu của lực lượng Hải quân. 6 năm sau, Lin được nhập quốc tịch Mỹ.
 
"Bất kể là vì lý do kinh tế, chính trị, xã hội hay tôn giáo, tôi biết rằng với việc trở thành một công dân Mỹ, tôi sẽ làm được những điều tốt đẹp hơn cho chính mình và gia đình", Lin đã nói đầy tự hào trong buổi lễ nhận quốc tịch mới.
 
Trong suốt sự nghiệp phục vụ quân đội của mình, Lin đã thực hiện nhiều công việc cho phép anh tiếp cận với nhiều thông tin mật về hệ thống trinh sát, thu thập thông tin tình báo trên máy bay hải quân Mỹ, đặc biệt là những chiếc máy bay hiện đại như EP-3E hay P-3C Orion.
 
Đơn vị cuối cùng nơi Lin công tác trước khi bị bắt là phi đội tuần tra Dự án Đặc biệt số 2, đóng quân ở vịnh Kaneohe, Hawaii trong thời gian từ tháng 2/2014 đến 3/2016. Đơn vị này vận hành máy bay tuần tra biển P-3C chuyên dùng để săn lùng tàu ngầm đối phương và tiến hành các hoạt động trinh sát, thu thập tình báo ở Thái Bình Dương.
 
Tờ Newsweek cho biết Lin bị các điều tra viên Hải quân bí mật bắt giữ cách đây 8 tháng, và sau đó được "điều chuyển công tác" đến sở chỉ huy Cục Tuần tra và Trinh sát Hải quân, nơi Lin trên thực tế bị giam tại nhà tù quân đội Naval Consolidated Brig ở Chesapeake. Hồ sơ của Lin chỉ nói rằng anh bị giữ tại Chesapeak trong khoảng thời gian "không xác định".
 
Hải quân Mỹ truy tố Lin ra trước tòa hôm 8/4, trong một phiên xét xử sơ bộ ở Norfolk, và không hề thông báo rộng rãi ngoại trừ một mẩu tin ngắn đăng tạm thời trên website của lực lượng.
 

Edward C. Lin trên một tàu chiến của hải quân Mỹ. Ảnh: DailyBeast

 
Bản cáo trạng dài ba trang chi chít những dòng chữ bị kiểm duyệt bôi đen cho thấy thiếu tá Lin phải đối mặt với hai tội danh làm gián điệp, ba tội danh âm mưu làm gián điệp. Sĩ quan 39 tuổi này còn bị cáo buộc trao đổi thông tin mật "với niềm tin rằng chúng sẽ được sử dụng để tạo lợi thế cho nước ngoài", có hành vi quan hệ tình dục với gái mại dâm, ngoại tình vì quan hệ với người không phải là vợ mình, và cung cấp thông tin giả về những nơi anh ta đã đến ở nước ngoài.
 
Sa ngã
 
Các quan chức tình báo Mỹ bắt đầu nghi ngờ thiếu tá Lin khi anh này xin nghỉ phép, nhưng lại nói dối về địa điểm mình sắp đến. Theo điều lệnh quân đội Mỹ, hành vi này bị coi là vắng mặt không phép, một quan chức Lầu Năm Góc nói với Daily Beast.
 
Các quan chức quốc phòng nghi ngờ trong một chuyến nghỉ phép như vậy, Lin đã gặp một người Đài Loan và cung cấp cho người đó những thông tin mật liên quan đến các hệ thống trinh sát, cảm biến trên máy bay hải quân Mỹ. Các điều tra viên lập tức bí mật dò hỏi các đồng nghiệp của Lin, và nhiều người nói rằng họ nhận thấy hành vi của anh ta rất đáng ngờ.
 
NYTimes dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho hay các điều tra viên Hải quân tin rằng Lin đã trao các thông tin mật cho một người bạn gái gốc Hoa.
 
Kể từ năm 2008, sau khi được nhập quốc tịch Mỹ, Lin đã liên tục đi du lịch khắp thế giới, tới Dubai, Trung Quốc, Đài Loan, Jordan, Anh. Năm 2011, Lin thực hiện một chuyến du lịch dài 6 ngày tới Đài Loan cùng một nhóm bạn, và một thành viên trong đoàn xác nhận rằng chuyến đi này được chính quyền Đài Loan tài trợ.
 
"Họ mời chúng tôi tham gia chuyến tham quan văn hóa tới Đài Loan. Đó là chuyến đi được chính quyền Đài Loan thu xếp, và hồi đó nhóm chúng tôi đã gặp gỡ nhiều cơ quan khác nhau ở hòn đảo này", Daniel Velez, một thành viên trong đoàn, cho biết.
 
Cũng theo Velez, ngoài các du khách Mỹ, trong đoàn của anh tới Đài Loan năm đó còn có nhiều học giả và chuyên gia đến từ Trung Quốc. Người này nhận xét rằng Lin là một người "tử tế" trong chuyến đi, và anh cảm thấy rất bất ngờ khi xem bản tin về việc Lin bị truy tố với tội danh gián điệp.
 
Một quan chức Mỹ xác nhận Cục Điều tra Hình sự Hải quân và FBI đang phối hợp để điều tra xem liệu có phải Lin đã tuồn các thông tin mật cho cả Trung Quốc và Đài Loan hay không. Tuy nhiên họ không tiết lộ những thông tin bị Lin tuồn cho đối tác nước ngoài cuối cùng đã được chuyển đến đâu.
 
Ngoài việc bị cáo buộc có hành vi gián điệp, Lin còn bị truy tố với tội danh mua dâm. Một quan chức quốc phòng nói với Daily Beast rằng có khả năng Lin đã được "trả công" bằng gái đẹp cho những lần hoạt động gián điệp.
 
Vì vụ án này có tính chất rất nghiêm trọng, đích thân Đô đốc Phil Davis, tư lệnh Lực lượng Hạm đội Mỹ, đứng ra chỉ đạo quy trình tố tụng. Rất có thể thiếu tá Lin sẽ phải đối mặt với một phiên tòa quân sự, với mức án cao nhất là tử hình, mặc dù Mỹ đã không thi hành án tử với các tội phạm gián điệp trong hàng chục năm nay.
 
Trong nhiều thập kỷ qua, chỉ có vài sĩ quan tại ngũ của Mỹ bị truy tố vì hành vi làm gián điệp. Một trong những vụ nổi tiếng nhất diễn ra vào thập niên 1980, liên quan đến đường dây gián điệp của chuẩn úy John A. Walker Jr. và các thành viên trong gia đình cung cấp tài liệu mật cho Liên Xô.
 
>> Một sĩ quan hải quân Mỹ bị buộc tội gián điệp cho Trung Quốc
 
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)

Nổi bật