Tội ác phải trả giá là luật lệ muôn đời trong lịch sử vận hành của loài người từ rất lâu rồi, ở mọi nền văn hóa. Và cái giá phải trả đôi khi là chính mạng sống của người làm điều ác. Nhưng trong số họ, có chăng từ tận sâu trong tâm hồn, một vài người cảm thấy chết là một sự giải thoát? Câu hỏi không ai có thể trả lời được bởi sau đó, họ vĩnh viễn không còn...
Cây cỏ dại nở hoa có giá bán 17 triệu đồng
Sinh ra trong một gia đình làm nông nghèo ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào năm 1971, nghiễm nhiên, Nhậm Tuyết không được bố mẹ ưu tiên cưng chiều và trao cho cơ hội học hành đến nơi đến chốn.
Với thân phận là con gái ở đất nước mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tất cả các cơ hội đổi đời, thoát nghèo, Nhậm Tuyết đành nhường lại cho hai anh trai của mình kể từ khi chào đời.
Cứ thế, cô trưởng thành như một hạt cỏ dại không ai chăm bón. Khi các anh trai được đến trường, tiếp cận con chữ, Nhậm Tuyết phải còng lưng vác cuốc ra đồng, phụ giúp mẹ cha. Cuộc sống của cô cứ thể trôi qua từng ngày…
Tuy nhiên, giá như cô mãi mãi là một hạt cỏ, lớn lên thành một cây cỏ, có nở hoa, hoa cũng bé nhỏ và tầm thường. Vậy mà càng lớn, Nhậm Tuyết càng xinh, xinh đến mức cứ xuất hiện bên ngoài, cả làng đều trầm trồ khen ngợi.
Biết tướng mạo của con gái xinh xắn, vào năm 1987, khi Nhậm Tuyết đã trở thành một tiểu mỹ nhân 16 tuổi, cha mẹ Nhậm Tuyết ra giá ai mang đến 5000 tệ (tương đương 17 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) có thể rước cô về làm vợ.
Sự nhẫn tâm của đôi vợ chồng này chẳng khác nào là bán đi con gái. Cả làng khi đó hay tin, đều lắc đầu, họ phẫn uất và tiên đoán, đoạn đời còn lại của Nhậm Tuyết sẽ vất vả trăm bề…
“Con quỷ” nơi cuối hầm mỏ mịt mùng khói bụi
5000 tệ thời điểm thập niên 1980 là con số không hề nhỏ, vì vậy dù mang đầy hy vọng bán con gái đổi lấy tiền, cha mẹ Nhậm Tuyết đành phải từ bỏ suy nghĩ này. Chẳng ai có đủ tiền đến cưới cô cả. Thay vào đó, Nhậm Tuyết được yêu cầu đến một mỏ nhôm gần làng để làm việc.
Cứ tưởng cô thoát được cảnh trở thành món hàng, nào ngờ, nơi hầm mỏ mịt mùng khói bụi, có một “kiếp nạn” đang chờ đợi cô. Đúng hơn là một “con quỷ” và “con quỷ” đó không ai khác chính là Đức Xương, 40 tuổi - gã chủ mỏ giàu có.
Ban đầu vào làm việc, với nhan sắc nổi bật, Nhậm Tuyết đã gây chú ý cho Đức Xương, ấy vậy mà làm được nửa tháng, hắn thông báo cho cô nghỉ việc vì những lý do rất quái đản.
Thấp cổ bé họng và sợ bị đuổi quay về nhà bị cha mẹ đánh, Nhậm Tuyết đành quỳ gối xuống cầu xin Đức Xương cho mình cơ hội. Đúng như những gì Đức Xương dự đoán, gã chỉ đợi có thế.
Gã nói Nhậm Tuyết có thể ở lại với một điều kiện là trở thành tình nhân của hắn. Phẫn uất trước yêu cầu này, vì con gái của Đức Xương bằng tuổi mình, quen biết mình, nhưng cô không còn sự lựa chọn.
Cô đã vốn không có gì, học hành không, tình thương yêu của mẹ cha cũng không, cô sợ gì mình phải lầm lạc thêm nữa, cô đồng ý với yêu cầu của Đức Xương. Và cứ thế, cô vừa làm việc, vừa “phục vụ” gã chủ mỏ xảo quyệt trong suốt 3 năm…
Thi thoảng Đức Xương còn cho Nhậm Tuyết một ít tiền, số tiền này cô mang về nhà để đổi lấy một chút sự quan tâm và một chút giá trị trong mắt mẹ cha.
Đóa hoa lầm lạc và lời hứa tự do
3 năm đọa đày trôi qua, bỗng có người nào đó âm thầm báo với chính quyền địa phương mỏ nhôm của Đức Xương trốn thuế. Lúc này, một đội cán bộ đã được cử đến mỏ nhôm điều tra. Một trong số đó khi đến hầm mỏ liền xiêu lòng trước vẻ đẹp của Nhậm Tuyết.
Và khi biết được Nhậm Tuyết và chủ mỏ có mối quan hệ bất chính, gã điều tra viên liền làm một cuộc giao dịch ngầm với Đức Xương rằng nếu giúp được hắn ta “chiếm đoạt” được Nhậm Tuyết, mỏ nhôm sẽ bình an vô sự.
Không suy nghĩ nhiều, Đức Xương đồng ý. Hắn ta liền tìm Nhậm Tuyết và yêu cầu cô phải dùng tấm thân mình “bảo vệ” mỏ nhôm kèm lời hứa, nếu mọi việc suôn sẻ, hắn sẽ buông tha để cô sống và làm việc như một công nhân bình thường, không cần phải phục vụ hắn nữa.
Nhậm Tuyết đắn đo nhưng rồi cũng như lần trước, cô đã lầm lạc một lần, cô sợ gì lầm lạc thêm một lần nữa, huống hồ gì chỉ một lần này, một lần này nữa thôi, cô sẽ được tự do và sống phần đời yên ả như số kiếp của mọi cọng cỏ ven đường. Cô đồng ý với Đức Xương.
Tiếc thay, khi mọi việc xong xuôi, Đức Xương giở quẻ, hắn vẫn không buông tha cho Nhậm Tuyết, hắn đe dọa cô, ép buộc cô tiếp tục phục vụ hắn…
Cái chết có phải cũng êm ái như đi vào một đám sương mù?
Phẫn uất, đau thương, căm hận, quẫn bách,... là tất cả những tính từ mà rất có thể dùng để diễn tả cảm xúc của Nhậm Tuyết sau khi biết mình bị lừa. Và rồi, một cây cỏ dại vốn vô hại như cô, có nằm gai nếm mật, lửa cháy xém da, thở ra vị đắng cũng bất động ấy bỗng muốn vùng lên.
Vào một ngày không ai hay, Nhậm Tuyết hẹn con gái của Đức Xương ra ngoài chơi, đến nơi thưa vắng người, cô dùng rìu giết chết con gái của hắn. Không một lời nói, không một ý niệm, cô chỉ muốn trả thù, sau đó cô đi đầu thú.
Có lẽ cô biết cái chết không đáng sợ, mà đáng sợ nhất là sống không bằng chết nên cô lựa chọn không giết Đức Xương. Cô muốn hắn sống trong sự day dứt đến cuối đời sau cái chết của con gái, còn cô, giết người xong, cô cũng sẽ chết, sẽ được giải thoát như cô mong muốn.
Mùa hè 1992, Nhậm Tuyết bị tuyên án tử hình vì hành vi giết người. Tháng 7 cùng năm, cô được đưa ra pháp trường. Trước khi bị bắn, cô bỗng há rộng miệng ra, người bắn hiểu ý, nhắm chính xác vào khuôn miệng, tiếng súng vang lên và Nhậm Tuyết không còn.
Cô chết với gương mặt vẫn vẹn nguyên, không có vết đạn xuyên nếu nhìn từ bên ngoài, cô há miệng là muốn mình ra đi với gương mặt đẹp đẽ ấy - thứ duy nhất trong đời làm cô tự hào và cảm thấy mình có chút giá trị.
Vào khoảnh khắc cuối cùng trước khi mặt đất mờ nhạt đi vì tiếng súng nổ trên pháp trường, có lẽ Nhậm Tuyết nghĩ rằng cái chết là một sự giải thoát. Êm ái như đi vào một đám sương mù và không bao giờ quay trở lại, chỉ vậy thôi nên cô bình thản đến lạ.
Không ai biết lúc đó cô nghĩ gì, có chăng cô đã mong mình không được sinh ra một lần nào nữa, nếu được sinh ra hãy cho cô có một kiếp người yên ả, nghèo một chút, khổ một chút nhưng đừng bị đày đọa và gặp phải tai ương…
Theo OLD FASHIONED (Pháp Luật & Bạn Đọc)