Nikkei Asian Review ngày 19/6 cho hay, chương trình nghị sự chính trị với chính sách nghiêng về Bắc Kinh của Thủ tướng Hungary Viktor Orban có nguy cơ "trật bánh".
Kế hoạch xây dựng cơ sở của trường đại học Phúc Đán nổi tiếng Trung Quốc ở thủ đô Budapest của Hungary đang làm dấy lên các cuộc phản đối khắp đất nước.
Bùng nổ làn sóng phản đối đại học Trung Quốc tại Hungary
Quốc hội Hungary trước đó đã thông qua việc tặng khu đất thuộc sở hữu nhà nước ở thủ đô cho phía Trung Quốc. Và nơi đây, Đại học Phúc Đán có trụ sở tại Thượng Hải có kế hoạch xây dựng một cơ sở đào tạo mới và dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2024.
Việc xây dựng này nằm trong thỏa thuận mà Thủ tướng Orban đã ký với Phúc Đán từ tháng 4.
Theo một thăm dò gần đây, kế hoạch xây dựng này vấp phải sự phản đối gay gắt. Khoảng 70% người dân Hungary được trưng cầu không đồng ý để phía Trung Quốc xây cơ sở đại học tại đây.
Vào đầu tháng 6, hơn 10.000 người Hungary đổ xuống các tuyến đường nhằm phản đối trường đại học Phúc Đán mở cơ sở tại Budapest.
"Chúng ta sẽ không để mình trở thành thuộc địa!", đoàn người xuống đường biểu tình hô vang biểu ngữ.
Những người chỉ trích cũng nói rằng, hệ thống giáo dục chất lượng cao của đất nước sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng lớn vào Bắc Kinh và lo rằng, cơ sở của Phúc Đán có thể làm giảm chất lượng giáo dục đại học ở quốc gia châu Âu này.
Trước khi bùng nổ làn sóng biểu tình, Thị trưởng Budapest Gergely Karacsony đã tuyên bố sẽ đổi tên các đường phố gần khuôn viên cơ sở thành "Đường Hồng Kông Tự do" và "Đường Duy Ngô Nhĩ tử vì đạo".
Theo AFP, dự án xây dựng này sẽ tiêu tốn 1,5 tỷ euro ( khoảng 1,79 tỷ USD), trong đó phía Trung Quốc chi 1,3 tỷ EUR. Các chính trị gia đối lập và các nhà kinh tế Hungary cho rằng, kế hoạch xây cơ sở giáo dục này sẽ tốn chi phí xây dựng và quan ngại về sự thiếu minh bạch trong dự án.
Nói với Nikkei Asia, ông Karacsony, chính trị gia đối lập và là là đối thủ tiềm năng của Thủ tướng Orban cho rằng, điều này "sẽ khiến ngay cả những con cháu đời sau của chúng ta phải mắc nợ".
Khuôn viên cơ sở mới này, nằm bên bờ sông Danube, có diện tích 520.000 m2. Và nếu được xây dựng và đưa vào hoạt động, đây là cơ sở đại học đầu tiên của Trung Quốc xây dựng ở một quốc gia EU.
EU ngày càng đối đầu, Hungary xích lại gần Trung Quốc
Tranh cãi này cũng đang khiến đảng cầm quyền Fidesz của Thủ tướng Orban chao đảo, ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Theo thăm dò ý kiến, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Fidesz giảm xuống mức 48% (tính đến ngày 9/6), trong khi tỷ lệ ủng hộ liên minh đối lập đang tăng lên mức 47%.
Ông Orban đáp trả bằng cách cáo buộc các đối thủ chơi trò chính trị. Theo Xếp hạng Đại học Thế giới QS năm nay (chuyên công bố về xếp hạng giáo dục quốc tế), đại học Phúc Đán xếp thứ 34, trong khi trường đại học hàng đầu của Hungary tụt xuống vị trí 500.
Chính phủ nước này nhấn mạnh khi ký thỏa thuận này rằng, "Phúc Đán là cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới và việc xây cơ sở ở Hungary sẽ cho dẫn đến các trung tâm nghiên cứu và phát triển và đầu tư mới tốt nhất".
Thủ tướng Orban cũng nói có kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về dự án để đảm bảo "thuận lòng dân", nhưng ông chưa ấn định khung thời gian.
Tranh cãi bùng nổ trong bối cảnh quan hệ giữa một số quốc gia châu Âu và Trung Quốc đang dần leo thang căng thẳng. Kể từ đầu năm đến nay, Bắc Kinh và các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành một loạt các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng quanh những cáo buộc quanh vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tháng trước, Lithuania tuyên bố rút khỏi khuôn khổ hợp tác kinh tế 17+1 được hình thành giữa Trung Quốc và các nước ở Đông và Trung Âu.
Hôm 12/6, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã ký ban hành dự luật loại nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc Huawei ra khỏi mạng 5G của nước này.
Năm 2019, Italia đã đồng ý tham gia vào khuôn khổ Vành đai, Con đường. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 hồi cuối tuần trước, Thủ tướng Italia Mario Draghi đã chỉ trích Bắc Kinh và tuyên bố sẽ đánh giá lại cẩn trọng về các thỏa thuận thuộc Vành đai, Con đường với Trung Quốc.
Dù các quốc gia EU đang ngày càng đối nghịch với Trung Quốc, lập trường ủng hộ Bắc Kinh của Hungary không hề dao động. Thủ tướng Hungary luôn là nhân vật đi theo hướng ngược lại với hầu hết các quốc gia EU và từng bị cáo buộc can thiệp vào các quy trình tư pháp ở trong nước.
Năm 2017, Hungary đã thông qua một đạo luật buộc Đại học Trung Âu, một học viện do tỷ phú quản lý quỹ đầu tư George Soros thành lập, phải chuyển ra khỏi Hungary.
Theo sáng kiến Vành đai, Con đường, Trung Quốc sẽ chi tiền để Hungary tái thiết tuyến đường sắt dài 350km nối Budapest với thủ đô Belgrade của Serbia. Một công viên năng lượng mặt trời khổng lồ do doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ cũng mới hoàn thành vào tháng 5.
Theo số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ 5,5 tỷ USD đầu tư và các hợp đồng cho Hungary trong thập kỷ qua (cho đến năm 2020). Theo các chuyên gia, những lo ngại có thể rơi vào "bẫy nợ" khiến quốc gia này đứng trước sức ép từ Bắc Kinh trên cả mặt trận chính sách đối nội và đối ngoại.
Trung Quốc có thể muốn gìn giữ mối quan hệ bền chặt với Hungary, quốc gia EU duy nhất đang sử dụng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc.
Hồi đầu tuần này, nói về vụ việc ở Hungary, Bắc Kinh cho rằng, chỉ có một số chính trị gia Hungary đang cố gắng gây sự chú ý và làm ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa hai nước. Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng, đó là "hành vi đáng khinh".
Theo Nam Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)