Theo Banolim, tính đến cuối năm ngoái có đến 221 công nhân Samsung bị ung thư và bệnh hiếm gặp sau thời gian làm việc cho hãng này, trong đó 75 người đã tử vong.
Theo Banolim, nhóm vận động chủ yếu cho các công nhân nhiễm bệnh, trong số 221 công nhân Samsung bị ung thư, và bệnh hiếm gặp sau thời gian làm việc tại hãng này, tính đến cuối năm ngoái, 75 người đã tử vong. Điển hình nhất là trường hợp con gái của ông Hwang Sang-gi là Yu-mi đã qua đời năm 2007 ở tuổi 22 do mắc một ung thư máu gọi là máu trắng (bạch cầu) dạng tủy cấp tính, sau thời gian tiếp xúc với hóa chất tại nhà máy Giheung thuộc Samsung ở phía nam thủ đô Seoul. Cái chết của Yu làm dấy lên sự lo ngại về điều kiện làm việc của công nhân trong các nhà máy Samsung nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc nói chung.
Ông bố này đã trải qua cuộc đấu trang đầy gian khổ suốt 7 năm chống lại công ty Samsung, từ chối nhận tiền để im lặng về cái chết của con gái ông nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
Yu-mi - con gái ông Hwang Sang-gi qua đời vì bệnh máu trắng sau thời gian làm việc trong một nhà máy chất bán dẫn của Samsung. |
Một người bạn cùng làm việc với Yu cũng bị mắc ung thư máu qua đời. Câu chuyện về hai cô gái trẻ cùng vài chục công nhân khác từng làm việc cho Samsung bị bệnh bạch cầu và các loại bệnh ung thư hiếm gặp khác đã được biết đến rộng rãi ở Hàn Quốc. Quá trình tranh đấu của ông Hwang để tìm hiểu lý do khiến con gái qua đời từng là nguồn cảm hứng cho một bộ phim nổi tiếng được phát hành năm ngoái.
Phim tài liệu “Empire of Shame” ra rạp từ tháng 3/2014. Suốt 3 năm sản xuất, bộ phim được quay với những hình ảnh thực tế về cuộc đấu tranh của ông Hwang và gia đình các công nhân khác từng làm việc cho Samsung. Phim tập trung vào phong trào mà ông Hwang khởi xướng nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn.
Từ khi cuộc đấu tranh bắt đầu, những người tham gia phong trào phát hiện 58 trường hợp bị bạch cầu và các loại ung thư máu khác trong nhiều nhà máy của Samsung, trong khi hãng không thừa nhận những điều này. Mục tiêu chính trong phong trào đấu tranh của họ là yêu cầu quỹ bảo hiểm chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho những công nhân bị ung thư. Và những người như ông Hwang và các nhà làm phim muốn thúc đẩy một cuộc đối thoại trong văn hóa chính thống của Hàn Quốc, về cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của đất nước, trong đó có vai trò không nhỏ của những tập đoàn như Samsung vốn trở thành niềm tự hào của nhiều người Hàn Quốc.
Bộ phim thứ hai tên là “Another Promise”, kể về cuộc đời thực của ông Hwang và con gái Yumi - người làm việc trong nhà máy thiết bị bán dẫn của Samsung từ năm 2003, khi mới 18 tuổi, rồi qua đời năm 22 tuổi. Nhân vật người cha trong phim đã kiên trì đến cùng trong cuộc đấu tranh với công ty mang tên hư cấu là Jinsung.
Hai bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang. Được biết, trong nhiều năm qua, cơ quan giám sát hoạt động bảo hiểm cho các bệnh nghề nghiệp chỉ chấp nhận bồi thường cho 3 trường hợp nhiễm bệnh vì làm việc tại công ty bán dẫn. Cơ quan này yêu cầu người đòi bảo hiểm phải chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa môi trường làm việc và căn bệnh của họ. Tuy nhiên, điều này gần như là không thể đối với người lao động ở Samsung, một phần do công ty không tiết lộ tất cả hóa chất được dùng khi sản xuất.
Vẫn chưa đi đến hồi kết
Ngày 12/1, Samsung và các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân đạt được thỏa thuận về việc triển khai những biện pháp ngăn ngừa tình trạng mắc bệnh từ nơi làm việc, sau cuộc gặp kéo dài 3 ngày giữa tập đoàn công nghệ và hai nhóm đại diện cho các nạn nhân bạch cầu tại Seoul.
Theo thỏa thuận này, một tổ chức độc lập sẽ được lập ra để kiểm tra điều kiện làm việc tại các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng của Samsung, đồng thời kiến nghị các biện pháp cải thiện. Samsung hoan nghênh thỏa thuận này là “bước đi ý nghĩa” để giải quyết vấn đề kéo dài liên quan điều kiện làm việc và bệnh bạch cầu.
Tuy nhiên, Banolim, nói rằng, thỏa thuận này không giải quyết hết những vấn đề liên quan, nên họ sẽ “tiếp tục cuộc chiến chống lại Samsung, và thúc giục Samsung có biện pháp giải quyết nốt những vấn đề còn lại”, Korea Herald đưa tin. Cả hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề cốt lõi là bồi thường và xin lỗi.
Ông Hwang Sang-gi cầm ảnh con gái qua đời vì nhiễm bệnh sau khi làm việc ở Samsung để phản đối tập đoàn ngày 23/10. Ảnh: AP |
Ông Hwang Sang-gi cũng một thành viên sáng lập Banolim, cho rằng người lao động và gia đình họ sẽ không thỉnh cầu Samsung hỗ trợ về tài chính bởi điều đó làm xao lãng vấn đề quan trọng hơn là biện pháp cải thiện điều kiện an toàn lao động. “Nếu không có biện pháp ngăn chặn, người lao động sẽ vẫn nhiễm các bệnh hiếm gặp. Và khi đó, Samsung đơn giản chỉ giải quyết mọi vấn đề bằng tiền”, ông Hwang nói.
Samsung từng bị các nhà phê bình và nhóm hoạt động chỉ trích là đã mua sự im lặng của gia đình các nạn nhân và những người ủng hộ, trong khi ngoảnh mặt với vấn đề công nhân mắc bệnh bạch cầu vì sợ tên tuổi nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới bị hoen ố, Korea Herald viết.
Theo Ngọc Anh (Kienthuc.net.vn)