Hôm 14-3, dư luận toàn cầu sôi sục khi Mỹ, Pháp và Anh tấn công các mục tiêu đã thông báo ở Syria.
Nỗi lo về một cuộc chiến tranh, cũng như tâm lý tò mò, đã khiến những hình ảnh, đoạn băng có cảnh không kích lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Nhưng thực tế rất nhiều đoạn video trong số này đều là tin giả, với những thông tin sai lệch khác nhau.
Clip không kích vào Syria... diễn ra tại Ukraine
Đầu tiên, một loạt cảnh tên lửa được mô tả là vụ không kích ở Syria nêu trên, song thực tế nó diễn ra ở Ukraine.
Hãng tin Al Jazeera (Qatar) ngày 15-4 cho biết đoạn video được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội của NBC News (Mỹ), PressTV (Iran) hay Telemundo (Mexico)... thực chất đều là cảnh tên lửa ở Ukraine từ tháng 2-2015, trong một vụ xung đột quân sự ở vùng Luhansk miền đông Ukraine.
Đơn cử như NBC viết trên Twitter rằng: "Đoạn video do người dùng tải lên Instagram có vẻ như diễn tả cảnh cháy nổ ở Damascus, Syria, sau khi Mỹ, Anh và Pháp tuyên bố liên quân tấn công chế độ Assad".
Mặc dù đã cẩn thận thêm chữ "có vẻ như" thay vì khẳng định chắc nịch, NBC sau đó 3 tiếng đã phải đăng thêm dòng trạng thái cải chính: "Cải chính: Một video mang nội dung cháy nổ ở Damascus sau cuộc không kích ở Syria đã được xác định sai. Đó là một cuộc xung đột khác, không liên quan vụ này".
Trong thế giới ngôn ngữ Ả Rập cũng xuất hiện đoạn video khác diễn tả cảnh không kích ở trung tâm nghiên cứu Jamraya Research Centre tại Damascus, do trang Twitter của Sabrnews đăng tải.
Vụ không kích trong video đó đúng là diễn ra tại Jamraya, nhưng thực tế đó là đoạn băng được ghi lại hồi tháng 1-2013.
Lấy video từ Yemen gắn cho cuộc chiến ở Syria
Cũng trong ngày 14-3, phía quân đội Syria cho biết đã dùng hệ thống phòng không bắn hạ 7 tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp.
Trên Twitter cũng có video mang nội dung này. Tuy nhiên thực chất đây là hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia trước đây được dùng để chống tên lửa của quân nổi dậy Houthi tại Yemen. Đoạn video gốc của vụ việc này xuất hiện từ cách đây 3 tuần trên hãng thông tấn Al-Arabiya.
Cũng trong ngày 14-3, trang Twitter ArainSohail94 đăng tải tấm ảnh khói lửa mịt mù trong thành phố, nói rằng đó là cuộc xâm lược của Mỹ tiến hành ở Syria.
Trang Twitter này gắn hashtag lung tung về #nhânquyền, #khủnghoảngSyria, #khôngkích, #cáichết… với nội dung chỉ trích Mỹ.
Nhưng thực tế đó là tấm ảnh từ năm 2003, thời điểm Mỹ tiến vào Iraq. Nó được cắt từ video Mỹ không kích vào phủ của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein ở thủ đô Baghdad.
Ảnh trẻ em chết tại Syria không phải là giả
Trong một diễn biến khác liên quan, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc - bà Nikki Haley - đã có phát biểu phản ánh cuộc chiến thông tin và tin giả tràn ngập xung quanh Syria.
Tuy nhiên, bà Haley cho rằng liên quân trên không tiến hành tấn công để ngăn chặn, phô trương sức mạnh hay trừng phạt ai, mà nhằm ngăn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học để tiếp diễn tai họa "chống lại loài người".
Bà Haley khẳng định cái cớ của Mỹ và đồng minh không phải là nguỵ tạo. Theo đó "những tấm ảnh về cái chết của trẻ em tại Syria không phải là tin giả", mà là hậu quả do chính quyền Syria gây ra cho loài người.
Theo Nhật Đăng (Tuổi Trẻ)