Vụ máy bay của Lion Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Indonesia, rơi xuống biển không lâu sau khi cất cánh hôm 29/10 một lần nữa dấy lên những câu hỏi về an toàn hàng không tại xứ sở vạn đảo.
Indonesia chủ yếu dựa vào đường không để kết nối hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ của nước này, nhưng có hồ sơ an toàn hàng không thuộc loại kém và chứng kiến vài vụ tai nạn máy bay chết người trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, bất chấp những sự cố liên tiếp xảy ra, việc đi lại bằng đường không tại Indonesia đang nở rộ với lượng hành khách nội địa tăng lên nhanh chóng trong thập kỷ qua, đi cùng là sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ.
Tai nạn liên tục
Một cậu bé 12 tuổi là người sống sót duy nhất trong vụ máy bay rơi ở vùng núi phía đông Indonesia hồi tháng 8, khiến 8 người thiệt mạng.
Tháng 8/2015, một máy bay chở khách của hãng Trigana rơi ở Papua vì thời tiết xấu, làm thiệt mạng toàn bộ 54 người trên khoang.
Tháng 12/2014, một máy bay của hãng AirAsia rơi xuống biển sau khi cất cánh từ Surabaya đi Singapore, cướp đi sinh mạng của 162 người.
Trong vụ việc này, báo cáo kết luận của cơ quan điều tra chỉ ra hỏng hóc từ lâu ở một bộ phận thuộc hệ thống điều khiển bánh lái, bảo trì kém và phản ứng không phù hợp của phi công là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Indonesia là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo hãng nghiên cứu thị trường hàng không CAPA có trụ sở tại Australia, số người đi lại bằng máy bay ở Indonesia đã tăng gấp ba lần từ năm 2005 đến năm 2017, lên đến 97 triệu người.
Tuy nhiên, Indonesia từ lâu đã đứng đầu hoặc gần đầu trong danh sách các nước đang phát triển có hồ sơ an toàn hàng không tệ hại. Điều đó được thể hiện qua những quy định an toàn lỏng lẻo, công tác quản lý yếu kém, sự thiếu hụt phi công có kinh nghiệm cũng như địa hình nhiều núi non mang đến rủi ro cho các máy bay tầm thấp.
Tỷ lệ tử vong gấp 25 lần Mỹ
Năm 2017, hiệp hội kiểm soát không lưu Indonesia tiết lộ rằng tỷ lệ cất cánh và hạ cánh mà công ty điều hành hàng không nhà nước AirNav cho phép tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta lớn hơn mức sân bay này có thể xử lý, từ đó làm tăng nguy cơ tai nạn.
Năm 2014, chuyên gia thống kê Arnold Barnett tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết trên New York Times rằng tỷ lệ tử vong trong tai nạn hàng không ở Indonesia một thập kỷ qua là 1/1.000.000 hành khách. Con số này cao hơn gấp 25 lần so với Mỹ.
Trong quá khứ, các hãng hàng không của Indonesia từng phải chịu lệnh cấm bay nhiều năm liền ở không phận Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ vì thiếu an toàn. Hồi tháng 6, EU đã gỡ bỏ lệnh cấm từ năm 2007 với tất cả hãng hàng không Indonesia, viện dẫn "những tiến bộ về tình hình an toàn hàng không", theo Bloomberg.
Cũng trong tháng 6, Lion Air là một trong ba hãng hàng không lớn của Indonesia có mức độ an toàn được nâng lên hạng 7 sao, theo đánh giá của AirlineRatings.com. Tuy nhiên, hãng bay giá rẻ hoạt động từ năm 2000 này liên tiếp gặp sự cố, bao gồm tai nạn chết người năm 2004.
Năm 2017, một trong những máy bay Boeing của hãng va chạm với một máy bay của hãng Wings Air khi hạ cánh tại sân bay Kuala Namu trên đảo Sumatra, song không gây ra thương vong.
Tháng 5/2016, hai máy bay của Lion Air va chạm tại sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta. Trong khi một tháng trước đó, một máy bay của hãng Batik Air, thành viên của Tập đoàn Lion, va quẹt với một máy bay TransNusa.
Năm 2013, một máy bay Lion Air, với phi công là "lính mới", chạy quá đường băng và rơi xuống biển ở gần sân bay Denpasar, Bali, khiến máy bay gãy làm đôi. Một vài người bị thương nhưng may mắn không ai thiệt mạng.
Tuy nhiên vào năm 2004, 25 người thiệt mạng khi máy bay của Lion Air từ Jakarta đâm xuống nghĩa trang trong lúc hạ cánh ở thành phố Solo thuộc miền Trung Java.
Thị trường nở rộ
Bất chấp những vấn đề về an toàn bay, các hãng hàng không giá rẻ phát triển mạnh mẽ tại Indonesia trong những năm qua.
Hồi đầu năm nay, Lion Air công bố mua khoảng 50 máy bay 737 MAX 10 từ Boeing với hợp đồng trị giá 6,24 tỷ USD. Năm 2013, một tháng trước vụ tai nạn khiến máy bay gãy đôi trên biển Bali, Lion Air từng đặt hàng 234 chiếc Airbus A320 trị giá 24 tỷ USD, một con số kỷ lục. Năm 2011, hãng này gây xôn xao với đơn hàng 22,4 tỷ USD mua 230 máy bay của Boeing.
Hồ sơ an toàn yếu kém dường như không làm dập tắt tham vọng của ông Rusdi Kirana, người sáng lập Lion Air. Dù là hãng giá rẻ, Lion Air đã thống trị thị trường hàng không nội địa của Indonesia với 51% thị phần vào năm 2017, theo New York Times.
Tập đoàn cũng ra mắt hãng hàng không phục vụ toàn phần (ngược với giá rẻ) là Batik Air với các đường bay trong nước lẫn quốc tế.
Một số người trong ngành từng nói rằng việc quản lý hàng không của Indonesia không theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành này.
"Lần cuối tôi kiểm tra, chúng tôi có chưa tới 200 thanh tra an toàn hàng không trên toàn quốc", ông Danang Parikesit, chuyên gia về giao thông, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Indonesia, nói với New York Times năm 2013.
"Bạn có thể tưởng tượng nhu cầu đi lại tăng 20% mỗi năm trong suốt 5 năm qua, và bạn có chưa tới 200 thanh tra an toàn? Bạn kỳ vọng gì chứ?", ông nói.
Tuy nhiên theo ông Herry Bhakti, tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng Indonesia, tỷ lệ sự cố và tai nạn liên quan đến các hãng bay thương mại, bao gồm Lion Air, đã giảm xuống từ năm 2009.
Các nhà phân tích hàng không tại Indonesia cũng cho rằng không có bằng chứng cho thấy các hãng giá rẻ ở nước này có hồ sơ an toàn tệ hơn các hãng phục vụ toàn phần. Họ lưu ý rằng, nói chung, các hãng giá rẻ dùng máy bay mới hơn và ký hợp đồng bảo trì với các công ty hàng không tên tuổi, bao gồm Singapore Airlines và Lufthansa của Đức.
Máy bay Lion Air gặp nạn hôm 29/10 là một chiếc Boeing 737 MAX 8 mới được sản xuất trong năm nay và vừa được đưa vào sử dụng từ giữa tháng 8.
CEO của Lion Air, Edward Sirait, cho biết máy bay gặp trục trặc kỹ thuật và đã được sửa chữa tại Bali trước khi bay đến Jakarta, song không nói rõ lỗi gì. Các kỹ sư ở Jakarta cũng nhận được thông báo và tiếp tục sửa chữa trước khi máy bay cất cánh với 189 người trên khoang.
"Đây là quy trình bình thường đối với bất kỳ máy bay nào", ông nói.
Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)