Hàng chục nghìn người tại Bali đã phải di tản sau khi ngọn núi lửa tại hòn đảo này có các hoạt động bất thường và có khả năng phun trào sau nhiều năm ngủ yên.
"Công tác di tản đang được tiến hành. Chúng tôi đã yêu cầu người dân ở cách xa miệng núi lửa tối thiểu 9 km", phát ngôn viên Cơ quan Phòng chống thảm họa Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết.
Núi lửa Agung có các hoạt động bất thường trong thời gian qua. Ảnh: Bali Treking. |
Hiện tại, hơn 34.000 người đã rời bỏ nhà cửa để di chuyển tới các khu vực an toàn. Nhà chức trách ước tính số người di tản đã tăng gấp 3 lần kể từ hôm 22/9 và sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Việc di tản được diễn ra hết sức gấp rút. Người dân được yêu cầu rời khỏi khu vực càng nhanh càng tốt.
"Tôi rất lo lắng khi phải rời đi đột ngột như vậy. Tất cả gia súc của tôi đều bị bỏ lại", Nyoman Asih, một người dân ở Bali, nói.
Sân bay quốc tế tại thành phố Denpasar, thủ phủ Bali, đã chuẩn bị nhiều xe khách và tàu hỏa để di tản người dân tới cách tỉnh lân cận trong trường hợp núi lửa phun trào. Trong tình huống xấu nhất, sân bay có thể phải đóng cửa vì khói bụi thải ra từ núi Agung.
Vị trí núi lửa Agung. Ảnh: Wiki. |
"Cho tới nay ngọn núi lửa vẫn chưa phun trào. Tuy nhiên cường độ các vụ chấn động thì ngày càng tăng" nhà nghiên cứu núi lửa Gede Suantika cho biết.
Núi lửa Agung là ngọn núi cao nhất tại Bali. Các hoạt động bất thường của ngọn núi bắt đầu được ghi nhận từ tháng 8 vừa qua. Trong lần phun trào gần đây nhất năm 1963, dung nham từ núi lửa Agung đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)