Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình sáng 7-12, Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ để đảng cầm quyền quản lý các vấn đề quốc gia.
Động thái này, cùng với việc đề xuất luận tội tổng thống thất bại sau đó cùng ngày, có thể đã giúp phe cầm quyền phần nào trút được gánh nặng.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn vẫn có thể xảy ra do chính quyền của ông Yoon và quốc hội có quá nhiều khác biệt chưa thể hàn gắn. Các sáng kiến chính sách quan trọng mà ông Yoon muốn theo đuổi như giảm sự chia rẽ trong xã hội hay giải quyết khủng hoảng dân số hiện trở nên khó thực hiện hơn bao giờ hết.
Lời hứa khó giữ
Liệu Tổng thống Yoon có thực sự giữ lời hứa trao quyền cho đảng cầm quyền hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Ngoài ra, Hàn Quốc chưa có quy định rõ ràng về phạm vi quyền lực mà một chính đảng có thể được giao phó.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống sẽ nắm quyền chỉ huy quân đội, đại diện quốc gia trước các nước khác và bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan chủ chốt.
Bài phát biểu của Tổng thống Yoon cũng không làm rõ ai trong đảng PPP sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo, trong bối cảnh nội bộ đảng đã có nhiều dấu hiệu lục đục từ trước.
Quan hệ giữa lãnh đạo đảng cầm quyền và thủ tướng - người thay tổng thống trong trường hợp bị đình chỉ hoặc phế truất - cũng chưa được xác định rõ ràng.
Ngày 7-12, ngay sau bài phát biểu của Tổng thống, Chủ tịch đảng PPP Han Dong-hoon đã có cuộc thảo luận kéo dài 80 phút với Thủ tướng Han Duck-soo.
Hai bên cam kết phối hợp để ổn định tình hình đất nước và kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định lời hứa này không mang tính ràng buộc pháp lý tại quốc gia theo hệ thống tổng thống như Hàn Quốc.
"Cờ vẫn trong tay" tổng thống?
Theo Giáo sư Shin Yul công tác tại Đại học Myongji, dù đã cam kết trao quyền, Tổng thống Yoon vẫn có thể thu hồi quyền lực bất cứ lúc nào. "Ông ấy có thể quay lại nắm quyền nếu thay đổi ý định, và sẽ chẳng ai ngăn cản được" - ông Shin nói.
Để chính phủ Hàn Quốc hoạt động trở lại bình thường cũng không phải vấn đề dễ dàng vì toàn bộ thành viên nội các đã đồng loạt nộp đơn từ chức sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ hôm 4-12, bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người được coi là một trong những bộ não đằng sau lệnh thiết quân luật, và cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lee Sang-min.
"Các chính sách của chính quyền ông Yoon chắc chắn sẽ bị hụt hơi" - Giáo sư Eom Ki Hong công tác tại Đại học Quốc gia Kyungpook nhận định. "Khi toàn bộ nội các và trợ lý tổng thống đều đã nộp đơn từ chức, cấp chuyên viên sẽ ngần ngại thực thi chỉ thị của chính quyền ông Yoon vì lo ngại phải chịu hậu quả".
Ngay cả trước khi lệnh thiết quân luật, chính quyền ông Yoon đã gặp khó trong việc thay thế nhân sự nội các, bao gồm cấp bộ trưởng. Nguyên nhân là đảng cầm quyền chỉ nắm 108 ghế trong tổng số 300 ghế Quốc hội.
Hơn nữa, Quốc hội - nơi phe đối lập đang chiếm 190 ghế - có thể sẽ chỉ tập trung theo đuổi việc luận tội thay vì giải quyết các vấn đề cấp bách, như thông qua ngân sách quốc gia cho năm tới.
Toàn cảnh vụ bỏ phiếu luận tội tổng thống Yoon Suk-yeol |
Theo Lạc Chi (Nld.com.vn)
https://nld.com.vn/han-quoc-tong-thong-yoon-suk-yeol-van-con-co-hoi-mong-manh-196241209182853322.htm