Sau nhiều lần phủ nhận về kế hoạch cho Mỹ triển khai hệ thống THAAD, Hàn Quốc bất ngờ chủ động đàm phán với Mỹ về kế hoạch triển khai này.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ tiết lộ ngay sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ tư, Seoul đã tăng cường đàm phán không chính thức về việc gia nhập lá chắn tên lửa THAAD của Washington.
Theo nguồn tin này, Tổng thống Park Geun-Hye và Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-Koo công khai tuyên bố cần phải xem xét tham gia lá chắn tên lửa THAAD. “Việc xem xét là cần thiết bởi năng lực phòng thủ tên lửa của chúng ta là khá hạn chế” - Bộ trưởng Han thừa nhận.
Vị bộ trưởng này cho biết thêm, hiện nay các hệ thống phòng thủ hiện tại của Hàn Quốc chỉ có thể đánh chặn tên lửa ở độ cao thấp. Điều đó có nghĩa là khả năng đánh chặn thành công là nhỏ. Trong khi đó hệ thống THAAD do hãng Lockheed Martin và Raytheon phát triển có thể đánh chặn tên lửa ở độ cao lớn.
Trước khi công khai ý định muốn tham gia vào hệ thống phòng thủ THAAD với Mỹ, Hàn Quốc từng nhiều lần phủ nhận về sự tồn tại của bản kế hoạch này.
Hồi đầu năm 2015, kênh truyền hình RT dẫn thông báo của chính phủ Hàn Quốc khẳng định, nước này sẽ không hợp tác với Mỹ trong kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, điều làm cả Trung Quốc và Nga tỏ ý không hài lòng.
Hệ thống THAAD bị phản đối tại Hàn Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il cho hay: “Mỹ chưa hề quyết định và đưa ra lời đề nghị chính thức nào về việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, cũng không có sự tham khảo ý kiến nào giữa Seoul và Washington”.
Đại diện Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tự mình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa phù hợp với điều kiện chiến lược của bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên là cái cớ
Việc Hàn Quốc bất ngờ thay đổi quan điểm về việc tham gia lá chắn tên lửa với Mỹ được cho rằng có liên quan đến việc Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch và kế hoạch thử tên lửa sắp tới của Bình Nhưỡng, tờ Wall Street Journal nhận định.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 28/1 cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử tên lửa tầm xa “một cách bất ngờ,” song đến nay Bình Nhưỡng chưa tuyên bố vùng cấm tàu thuyền trên biển để chuẩn bị cho vụ phóng.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn bộ trên Kim Min-seok hối thúc Triều Tiên không tiến hành hoạt động như vậy. Ông nhấn mạnh nếu thực hiện phóng tên lửa tầm xa, Bình Nhưỡng sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và buộc Hàn Quốc phối hợp với Mỹ để có những biện pháp đối phó chung.
Quan chức trên chưa xác nhận hay bác bỏ tin của hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) trước đó nói rằng có khả năng Triều Tiên sắp phóng tên lửa tầm xa, nhưng ông cho biết quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu liên quan đến khả năng này.
Tuyên bố của ông Kim Min-seok được đưa ra một ngày sau khi hãng tin Kyodo dẫn một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo tầm xa từ bãi phóng Dongchang-ri, miền Tây Bắc Triều Tiên.
Dẫn các phân tích hình ảnh vệ tinh được thực hiện trong những ngày qua và cảnh báo vụ phóng có thể diễn ra sớm nhất trong vòng 1 tuần. Dấu hiệu về công tác chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa từ cơ sở Dongchang-ri xuất hiện trong bối cảnh các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang xem xét tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng hôm 6/1.
Hội đồng Bảo an đã thông qua nhiều nghị quyết yêu cầu Triều Tiên kiềm chế sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, do đó động thái tiến hành vụ thử hạt nhân tới đây của Bình Nhưỡng (nếu xảy ra) có thể sẽ làm tăng sức ép yêu cầu Hội đồng Bảo an đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Theo Chúc Sơn (Đất Việt)