Năm 2017 sẽ là năm bội thu cho xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc với nhiều hợp đồng béo bở và Seoul dự kiến đưa thêm nhiều loại vũ khí vào danh sách xuất khẩu.
Triển lãm quốc phòng Hàn Quốc 2016 tại Goyang, tỉnh Gyeonggi - Ảnh: Yonhap |
Hãng tin Yonhap dẫn ước tính của Viện kinh tế thương mại công nghiệp Hàn Quốc cho biết xuất khẩu quốc phòng của Seoul có thể đạt 12 tỉ USD trong năm 2017 nếu công ty Korea Aerospace Industries (KAI) giành được các hợp đồng cung cấp máy bay cho Mỹ và các dự án lớn khác thành công.
Đây là con số đáng kể nếu so sánh với các năm trước. Từ khoản thu chỉ 297 triệu USD vào năm 2006, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc tăng mạnh lên 3,61 tỉ USD vào năm 2014 nhưng sụt xuống 2,5 tỉ USD vào năm ngoái do gặp cạnh tranh.
Công ty quốc phòng KAI của Hàn Quốc đang liên minh cùng công ty Lockheed Martin của Mỹ đấu thầu dự án T-X trị giá đến 16 tỉ USD của không quân Mỹ cung cấp máy bay T-50 thay thế cho đội máy bay 358 T-38 của lực lượng này.
Máy bay T-50 đã được Seoul xuất khẩu với số lượng nhỏ hơn cho Iraq, Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Mở rộng thị trường
“Nếu KAI thắng hợp đồng T-X, đó sẽ là cột mốc lịch sử cho ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta. Nó sẽ làm tăng hình ảnh của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc trên toàn cầu” - ông An Sang Nam, quan chức Hiệp hội công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, kỳ vọng.
|
Loại máy bay T-50A mà Hàn Quốc sẽ tham gia sản xuất cho Mỹ - Ảnh: Airforce Technology |
Không chỉ là hợp đồng xuất khẩu quốc phòng khủng nhất trong nhiều thập kỷ qua, nó cũng sẽ mở cửa cho Seoul mở rộng thị trường sang nhiều nước khác. KAI được cho là cũng đang đa dạng hóa sản phẩm để bán ra nước ngoài.
Chẳng hạn, công ty này dự kiến sẽ ký thỏa thuận bán trực thăng đa năng Surion trong năm nay với các khách hàng tiềm năng là Indonesia và Peru. Trong khi đó, nhà sản xuất LIG Nex1 đang nhắm đến Trung Đông để xuất khẩu tên lửa chống tăng Raybolt hay tên lửa đối không KP-SAM.
Hàn Quốc cũng có lợi thế là lực lượng hơn 620.000 binh lính am hiểu về các hệ thống vũ khí. “Trọn gói từ vũ khí, thiết bị, kiến thức và phần mềm, là điều các nước Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ cần” - ông An Sang Nam tự tin tuyên bố.
Nhu cầu vũ khí tại những thị trường trên được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Cạnh tranh
Tuy nhiên nhà nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cảnh báo Seoul sẽ vẫn chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước có cùng mức phát triển công nghệ như Israel, các nước châu Âu và các nhà sản xuất giá rẻ như Trung Quốc, Nga, Ukraine.
Trong khi đó, nước láng giềng Nhật Bản cũng theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc xuất khẩu vũ khí sau khi chính quyền thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí năm 2014. Cũng như Hàn Quốc, lợi thế của Nhật Bản là nằm trong khu vực có mức chi tiêu quốc phòng tăng mạnh nhất thế giới.
Dù không mấy thành công trong các cuộc đầu thầu quốc tế trong ba năm qua, bao gồm thất bại gói thầu cung cấp tàu ngầm trị giá 50 tỉ USD cho Úc năm ngoái, Tokyo vẫn đang đàm phán bán máy bay do thám US-2 cho Ấn Độ và mới đây là mời chào máy bay vận tải và tuần tra với New Zealand.
Nhật Bản cũng bán được một số máy bay do thám cho Philippines. Tuy nhiên tại Đông Nam Á, Tokyo chủ yếu tài trợ thiết bị cho các nước như Việt Nam, Philippines.
Các nhà chuyên môn cho rằng Tokyo sẽ còn một chặng đường dài để khắc phục các điểm yếu như giá cao, thiếu kinh nghiệm trên thị trường và hơn hết là các thiết bị do nước này sản xuất hầu như chưa từng được thử nghiệm thực chiến.
|
Diễn tập triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 tại Nhật Bản - Ảnh: Reuters |
Theo Trần Phương (Tuổi Trẻ)