Vụ việc bắt nguồn từ ngày 1/6, khi Youtuber có tên "The Narak Archives" đăng tải video đầu tiên, trong đó hé lộ danh tính của một người đàn ông được cho là kẻ chủ mưu trong vụ tấn công tình dục tập thể nữ sinh trung học ở Miryang cách đây 20 năm
Theo thông tin từ video, người đàn ông này hiện đang kinh doanh nhà hàng tại huyện Cheongdo (tỉnh Gyeongsang). Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã tìm đến trang đánh giá của nhà hàng để "tấn công" bằng những bình luận tiêu cực. Nhà hàng này sau đó lên tiếng phủ nhận liên quan và cho rằng người được nói đến chỉ là nhân viên làm việc tại đây. Tuy nhiên, sau đó nhà hàng này đã dán thông báo đóng cửa và sắp sửa phá dỡ do vi phạm về xây dựng.
Không dừng lại ở đó, "The Narak Archives" tiếp tục công bố thông tin về những kẻ tình nghi khác. Vào ngày 3/6, Youtuber này cho biết một trong số những kẻ tấn công tình dục đang làm việc tại một showroom ô tô nhập khẩu châu Âu ở thành phố Gimhae sau khi đã đổi tên. Trước làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận, showroom đã phải ra thông cáo sa thải người này. Đến ngày 5/6, Youtuber "The Narak Archives" tiếp tục vạch trần danh tính một nữ cảnh sát bị tố cáo đã chế nhạo nạn nhân và viết bài bào chữa cho những kẻ tấn công vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Giáo sư Lee Yoon-ho (chuyên ngành cảnh sát tại Đại học Mạng Hàn Quốc) nhận định: "Sự mất lòng tin của công chúng đối với công lý ngày càng lớn do khoảng cách quá lớn giữa mức độ trừng phạt mà thẩm phán đưa ra và tình cảm pháp lý thông thường mà công chúng nắm giữ. Công chúng đồng cảm với vị trí của nạn nhân hơn là thủ phạm, vì vậy các hình phạt tư nhân để thực hiện công lý và công bằng xã hội vẫn tiếp tục bất chấp nguy cơ bị trừng phạt".
Tuy nhiên, việc Youtuber tự ý công khai thông tin cá nhân của những người liên quan đến vụ việc đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Giáo sư Kwak Dae-kyung (khoa Cảnh sát Tư pháp, Đại học Dongguk) cho rằng: "Các hình phạt tư nhân có thể xây dựng tư tưởng rằng cảnh sát và các cơ quan điều tra khác kém tin cậy hơn, nhưng nếu thông tin cá nhân chưa được xác nhận rõ ràng bị phát tán, vòng lẩn quẩn gây thiệt hại cho nhầm người có thể lặp lại".
Mới đây nhất, ngày 6/6, "The Narak Archives" đã tiết lộ kẻ tình nghi thứ tư trong vụ án. Youtuber này cho biết: "Kẻ cầm đầu vụ tấn công tình dục ở Miryang hiện đang làm việc tại một khu công nghiệp ở thành phố Miryang và đang sống rất tốt với một con trai và một con gái". Ngay sau đó, trang web của công ty nơi người này làm việc ngập tràn những bình luận tiêu cực.
Trên thực tế, đã có trường hợp người dân vô tội trở thành nạn nhân của làn sóng "trừng phạt tư nhân". Cụ thể, một số người dùng mạng xã hội đã nhầm lẫn cô B (chủ một tiệm làm móng ở Miryang) là bạn gái của một trong những kẻ tấn công tình dục. Họ để lại nhiều bình luận ác ý trên trang đánh giá của tiệm làm móng. Thậm chí, một Youtuber khác đã livestream cảnh xông vào cửa hàng của cô B và lục soát hộp thư, đồng thời công khai tên thật của cô. Quá bức xúc, cô B đã phải lên tiếng kêu oan trên một diễn đàn mạng xã hội dành cho các bà mẹ.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến các nội dung "trừng phạt riêng tư" vẫn tiếp tục xuất hiện là do video công khai thông tin cá nhân của người bị tình nghi thường thu hút lượng lớn người xem, từ đó giúp kênh Youtube tăng lượt đăng ký và thu về lợi nhuận. Giáo sư Lee nhận định: "Khi số lượng người đăng ký tăng vọt, lợi nhuận mà người điều hành kênh kiếm được sẽ cao hơn nhiều so với số tiền phạt mà họ phải trả. Đó là một công việc kinh doanh sinh lời gấp nhiều lần, vì vậy không có lý do gì để họ không làm điều đó".
Đáng chú ý, phía nạn nhân của vụ việc cũng đã lên tiếng khẳng định họ chưa bao giờ đồng ý cho việc công khai thông tin cá nhân của những kẻ bị tình nghi. Trung tâm Tư vấn Bạo lực Tình dục Hàn Quốc - một trong những tổ chức hỗ trợ các nạn nhân của vụ tấn công tình dục tập thể ở Miryang - cho biết: "Các nạn nhân không hề hay biết về việc "The Narak Archives" đăng tải video liên quan đến vụ việc cho đến khi video đầu tiên được đăng tải và họ cũng không được hỏi ý kiến về việc này trước đó".
Theo Ái Vi (Phụ Nữ Mới)