Các quan chức Mỹ cho biết Hàn Quốc đang thúc đẩy Mỹ trao lại quyền chỉ huy quân đội trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, nhưng Washington lại lo ngại Seoul chưa sẵn sàng cho điều này. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa hai quốc gia đồng minh giữa lúc mối đe dọa từ Triều Tiên gia tăng, WSJ hôm nay đưa tin.
Việc trao quyền chỉ huy thời chiến là một trong những chủ đề quan trọng trong chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. "Chúng tôi luôn sát cánh với các bạn và người dân Hàn Quốc trước mối đe dọa của chính quyền Kim Jong-un", ông Mattis phát biểu hôm 27/10 khi đứng cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ).
Hàn Quốc có quyền kiểm soát quân đội trong thời bình. Nhưng khi nổ ra chiến tranh, thỏa thuận được ký vào thập niên 1950 cho phép Mỹ nắm quyền chỉ huy toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ và Hàn Quốc. Quân đội Mỹ đang duy trì lực lượng gồm 28.500 binh sĩ và nhiều khí tài trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Vấn đề trao quyền đã được đặt ra từ năm 2005, khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tìm cách giảm sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và chuyển giao nhiều trọng trách an ninh hơn cho Hàn Quốc.
Trong nhiều năm qua, Washington đã hối thúc Seoul chuẩn bị lấy lại quyền kiểm soát lực lượng vũ trang trong thời chiến, nhưng quân đội Hàn Quốc liên tục yêu cầu Mỹ hoãn quá trình này, cho rằng họ cần thêm thời gian đầu tư xây dựng lực lượng và cải thiện khả năng chiến đấu. Sau hàng loạt thời hạn chót bị phá vỡ, Washington và Seoul đồng ý trì hoãn việc này vô điều kiện vào năm 2013.
Các chính quyền bảo thủ trước đây của Hàn Quốc thường chấp nhận việc trì hoãn này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Mon Jae-in có quan điểm khác, trong đó đề nghị Mỹ tăng tốc việc chuyển giao quyền kiểm soát.
Nhưng Washington hiện lại chưa có dấu hiệu muốn trao lại vai trò chỉ huy quân đội Hàn Quốc trong thời chiến, nhất là trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. "Tôi không nghĩ có người muốn trao lại quyền kiểm soát trong tình hình căng thẳng hiện tại ở bán đảo Triều Tiên", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Vấn đề này sẽ được đề cập ở các cuộc đàm phán Mỹ - Hàn trong những ngày tới. Tuy nhiên, Washington đang tìm cách loại bỏ những động thái chính thức dẫn tới việc chuyển giao quyền lực. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối cho biết nước nào yêu cầu đưa việc này vào chương trình nghị sự, trong khi người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis khẳng định Mỹ không hề thay đổi quan điểm.
"Chúng tôi cam kết giúp Hàn Quốc phát triển khả năng cần thiết để nắm trách nhiệm phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên. Đây là quan điểm xuyên suốt của chúng tôi trong nhiều năm qua", ông Davis tuyên bố.
Mỹ muốn quân đội Hàn Quốc thể hiện khả năng tác chiến trước khi được giao quyền tự chủ, bao gồm cải thiện lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo và trình độ chỉ huy kiểm soát chiến trường. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định không nên vội vàng trao lại quyền cho Hàn Quốc, với lý do tình trạng hiện nay "có hiệu quả hoạt động cao".
Nhiều chính trị gia Hàn Quốc cho rằng việc không nắm quyền kiểm soát quân đội là nỗi xấu hổ, khiến nước này bị coi là bù nhìn của Mỹ. Nhà phân tích Michael Mazarr thuộc Viện RAND nhận định các nỗ lực của ông Moon Jae-in sẽ có tác dụng, dẫn tới việc Mỹ - Hàn thống nhất thành lập cơ cấu chỉ huy quân sự mới. Tuy nhiên, quá trình này sẽ rất khó khăn, buộc hai nước phải tiến hành nhiều thay đổi phức tạp.
Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)