Những con tàu chìm xuống sông Danube thuộc Hạm đội Biển Đen của Đức quốc xã từ năm 1944, trong quá trình lực lượng này rút lui trước đà tiến của quân Liên Xô.
Giới chức cho biết những xác tàu này vẫn tác động đến con sông cho đến ngày nay, gây cản trở giao thông trên sông khi mực nước xuống thấp.
Giờ đây, 20 con tàu đã nổi hẳn lên, trong đó nhiều tàu vẫn còn đầy đạn dược và chất nổ. Giới chức cho biết chúng đang gây nguy hiểm cho lưu thông trên sông Danube.
Các tàu thu hẹp khu vực nơi tàu bè có thể đi qua ở đoạn gần Prahova xuống chỉ còn khoảng 100m, trong khi khoảng rộng thông thường là 180m.
Giới chức Serbia phải cho nạo vét lòng sông để duy trì giao thông đường thuỷ.
“Chúng tôi đã triển khai gần như toàn bộ lực lượng nạo vét. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động tàu bè như bình thường”, ông Veljko Kovacevic, Trợ lý Bộ trưởng về Hạ tầng và giao thông Serbia, nói với Reuters.
Mức nước trong hệ thống thuỷ điện của Serbia đã giảm một nửa trong 2 tháng qua. Quốc gia này cũng chịu tác động kéo dài từ cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng vì xung đột ở Ukraine.
Giới chức cho biết những con tàu dưới lòng sông giờ đã nhô ra phần tháp pháo, cầu chỉ huy, cột buồm bị gãy và vỏ bị vẹo.
Hồi tháng 3, Chính phủ Serbia mời một công ty tư nhân vớt một số tàu lên và loại bỏ phần đạn dược, chất nổ, tiêu tốn khoảng 30 triệu USD.
"Đội tàu của Đức để lại một thảm hoạ sinh thái lớn đang đe doạ chúng tôi, những người dân ở Prahovo", Velimir Trajilovic, 74 tuổi, một người dân ở Prahovo từng viết một cuốn sách về các tàu Đức, cho biết.
Theo các chuyên gia, mực nước sông Danube đoạn gần Prahovo đang ở mức chỉ bằng một nửa so với thời điểm này các năm trước.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)