Hạn chót đã qua, số phận con tin Nhật vẫn đầy bí ẩn

30/01/2015 10:21:41

IS vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào dù hạn chót trao đổi tù nhân mà phiến quân đưa ra đã qua.

IS vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào dù hạn chót trao đổi tù nhân mà phiến quân đưa ra đã qua.

Trước đó, IS đã tung lên mạng một đoạn băng ghi âm, tuyên bố rằng sẽ sát hại phi công người Jordan Muath al-Kasaesbeh nếu Jordan không đưa Rishawi đến biên giới Iraq để trao đổi trước lúc mặt trời lặn ngày 29/1.
 

Jordan xác nhận vẫn đang giam giữ "góa phụ đen" Rishawi

Khoảng một giờ sau khi thời hạn chót mà IS đưa ra qua đi, người phát ngôn chính phủ Jordan Mohammad al-Momani cho hay “góa phụ đen” Rishawi vẫn đang ở trong nhà tù của họ.

Ông Momani cho biết: “Chúng tôi muốn có bằng chứng chứng tỏ viên phi công vẫn còn sống, để chúng tôi có thể thực hiện những gì đã nói ngày hôm qua, đó là trao đổi tù nhân trên lấy viên phi công”.

Thiếu úy phi công Kasaesbeh bị IS bắt làm tù binh sau khi chiến đấu cơ của anh bị rơi ở miền bắc Syria khi đang tham gia chiến dịch đánh bom mục tiêu IS trong đội hình của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Ông Momani nói tiếp: “Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Kasaesbeh vẫn đang còn sống, mặc dù chúng tôi đã đưa ra yêu cầu”.

Ngoài ra, ông Momani khẳng định Jordan vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Nhật Bản để cứu tính mạng của con tin người Nhật Kenji Goto, người bị IS bắt cóc khi đặt chân đến Syria để tìm cách cứu một người đồng hương rơi vào tay IS.

Vợ của Goto đã hối thúc chính phủ hai nước nỗ lực hơn nữa để chồng cô được phóng thích vì cô sợ rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng của anh. IS tuyên bố rằng chúng muốn đổi Goto lấy Rishawi, trong khi chính phủ Jordan lại muốn đổi góa phụ đen này lấy viên phi công đang bị giam giữ.
 

Số phận con tin người Nhật Kenji Goto vẫn là một câu hỏi lớn

Bất cứ việc trao đổi tù nhân nào mà không có mặt thiếu úy Kasaesbeh sẽ khiến người dân Jordan nổi giận, và khả năng này khó có thể xảy ra bởi các quan chức Jordan luôn khẳng định viên phi công này là ưu tiên hàng đầu của họ.

Hiện IS vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan đến tính mạng của cả thiếu úy Kasaesbeh lẫn nhà báo Goto, và số phận của họ vẫn là một điều bí ẩn lớn.

Các cuộc biểu tình đã bắt đầu nổ ra ở Karak, quê nhà của thiếu úy Kasaesbeh, một thành viên trong bộ tộc quan trọng vốn là xương sống hậu thuẫn cho hoàng gia Hashemite của Jordan, khiến nước này càng chịu sức ép lớn hơn trong cuộc khủng hoảng con tin.

Cuộc khủng hoảng con tin hiện nay là phép thử ngoại giao lớn nhất đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.

Phát biểu trong một phiên họp Nội các đặc biệt ngày hôm qua, ông Abe tuyên bố chính phủ Nhật đang nỗ lực hết mình để đảm bảo Goto được thả tự do càng sớm càng tốt, đồng thời tái khẳng định rằng Nhật Bản luôn hợp tác chặt chẽ với Jordan.

Ông Abe cũng tuyên bố rằng Nhật sẽ không đầu hàng chủ nghĩa khủng bố, và Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Ông Abe nhấn mạnh: “Nếu chúng ta quá sợ hãi trước chủ nghĩa khủng bố và chịu khuất phục trước nó, sẽ có một làn sóng khủng bố mới chống lại người Nhật Bản, và thế giới chúng ta sẽ trở thành một nơi bị thứ bạo lực hèn hạ thống trị. Điều đó là hoàn toàn không chấp nhận được”.
 
>> Jordan bắt quản lý trang mạng tung tin về thoả thuận trao đổi con tin
>> Vợ con tin Nhật Bản xin được thế mạng chồng
>> IS đặt ra thời hạn mới cho việc trao đổi con tin Nhật
>> IS đòi thả nữ tù binh đánh bom liều chết trước hoàng hôn
 
Theo Trí Dũng (Dân Việt)

Nổi bật