Học phí ít, thời gian ngắn, trải nghiệm du học quý giá và những lời quảng cáo sôi nổi tràn ngập không gian mạng Trung Quốc như: học phí 40 nghìn tệ (tương đương 141 triệu đồng), khóa học trọn gói 10 tháng, bằng thạc sĩ của top 300 trường đại học châu Âu, và cơ hội gặp gỡ, giao lưu với người đoạt giải Nobel… đã thu hút đông đảo sự chú ý của những người đang mong muốn đi du học để tu nghiệp.
Những lời quảng cáo "chắp cánh ước mơ"
Trong nửa đầu năm 2020, tình hình tìm việc làm trở nên khó khăn, Cát Mai là 1 học sinh mới tốt nghiệp và muốn đi tu nghiệp nước ngoài. Nhưng học phí du học ở Anh và Mỹ quá cao khiến cô nản lòng, vào đúng lúc ấy, chương trình "Một năm du học bằng tiếng Anh tại Belarus" với chi phí phải chăng đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc.
Sau đó, "vận may" của Cát Mai như nhân đôi khi tháng 4/2020, Trung tâm Dịch vụ Du học của Bộ Giáo dục Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Trung tâm Du học) cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, lưu học sinh sẽ được tham gia khóa học trực tuyến. Trung tâm Du học còn nhấn mạnh rằng "Vì yếu tố khách quan, việc chuyển từ dạy học truyền thống sang học online sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chứng nhận bằng cấp."
Là do dịch bệnh, hay 1 trò lừa bịp có chủ ý?
Vào cuối năm 2020, Cát Mai đã rất ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả Douyin (Phiên bản TikTok của Trung Quốc) cũng hiện quảng cáo "bằng thạc sĩ rẻ nhất toàn quốc".
Các video ngắn có nội dung học phí 1 năm học thạc sĩ bằng tiếng Anh tại các trường đại học lớn ở Belarus chỉ tốn 40 nghìn tệ (tương đương 141 triệu đồng), và quan trọng nhất là có thể tham gia học trực tuyến. Họ còn nhấn mạnh rằng nhiều chương trình du học ở Belarus có thể học tại Trung Quốc và hoàn thành tín chỉ nhờ phương pháp dạy online "tân tiến" nhất hiện giờ.
Vào tháng 9/2020, Lý Kiện Ba, 1 chuyên gia tài chính cũng hào hứng theo học chương trình thạc sĩ tại 1 trường đại học ở Belarus. Có hơn 120 người đăng ký cùng khóa với Kiện Ba, bao gồm các ngành giáo dục, tâm lý và luật.
"Hầu hết họ đều đang đi làm và muốn nâng cao trình độ học vấn." - Lý Kiện Ba cho biết.
Chương trình học trên quả thực là "rẻ nhất" Trung Quốc, thêm vào đó thủ tục giấy tờ vô cùng tinh giản. Chỉ cần nộp bảng điểm đại học, chứng chỉ học tập, ảnh chụp hộ chiếu, sơ yếu lý lịch và không cần điểm IELTS hay thư giới thiệu của giáo sư. Lý Kiện Ba cùng rất nhiều người khác đã trở thành du học sinh và đều cảm thấy mình "nhặt được 1 món hời" từ trên trời rơi xuống.
Tất cả khóa học sẽ được hoàn thành ngay trong nước và trước tháng 6/2021, nhưng cần phải ở lại Belarus ít nhất 1 tháng để bảo vệ luận án.
Trước đó, để chứng nhận kinh nghiệm học tập của 1 du học sinh phải có "Giấy chứng nhận lưu học sinh về nước", do Bộ phận Giáo dục (Văn hóa) của Lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài cấp cho các trường cao đẳng, đại học chính quy và các cơ sở nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Hoặc các du học sinh đã sống ở nước ngoài hơn 6 tháng và sẽ trở lại làm việc tại Trung Quốc. Những điều kiện trên sẽ là cơ sở quan trọng để xét duyệt và chứng nhận bằng cấp. Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, Bộ Giáo dục thông báo rằng họ sẽ hủy bỏ thủ tục "Giấy chứng nhận lưu học sinh về nước" từ tháng 11 cùng năm.
Chính sách cùng thủ tục được đơn giản hóa đã nới lỏng và mang lại nhiều cơ hội đi du học cho nhiều người. Nhưng kể từ sau tháng 12/2020, các quảng cáo từ bên trung gian như "không cần ra nước ngoài, học trực tiếp là đỗ" bắt đầu xuất hiện nhan nhản trên không gian mạng.
"Có quá nhiều quảng cáo không đáng tin cậy." - Lôi Đông, 1 học viên chuẩn bị đăng ký chương trình du học Belarus nói.
Trong đó, 1 trung gian đã giải thích cặn kẽ cho anh cách lấy bằng mà "không cần ra nước ngoài học", thậm chí bảo vệ luận văn cũng có thể hoàn thành "tại gia".
Hiệu quả giảng dạy có "thần thánh" như lời đồn
Vào tháng 1/2021, các học viên đã hoàn thành hơn 1 nửa học kỳ của các khóa học trực tuyến. Trong học kỳ đầu tiên, Lý Kiện Ba đã mở 14 khóa học về chuyên ngành của mình, hầu hết các lớp học đều có bài tập về nhà và "lượng bài tập rất lớn". Cuối học kỳ sẽ có bài kiểm tra và tiến hành dưới hình thức phỏng vấn. Tuy nhiên sau 1 thời gian, Kiện Ba cảm thấy "rất thất vọng."
"Các giáo viên trong nhiều khóa học không sử dụng Zoom. Bài tập về nhà thường là phân tích trường hợp của 1 công ty nào đó, nói về hành vi vi phạm pháp luật hoặc viết về hiện thân của tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Hơn nữa, giáo viên nói tiếng Anh lai tạp và mắc nhiều lỗi, hầu như cả học kỳ đều phát tài liệu cho môn học và giao bài tập về nhà." - Lý Kiện Ba kể lại.
1 số học sinh thậm chí không chịu làm bài nên đã thuê người làm hộ. Hàn Hoa, 1 du học sinh tại Đại học Mogilev ở Belarus đã nhận không ít việc như vậy với mức thù lao khá cao. Khi các sinh viên không hiểu giáo sư người Belarus giảng về vấn đề gì, Hàn Hoa sẽ giúp họ phiên dịch.
Hàn Hoa cho biết, nhiều giáo viên Belarus có trình độ tiếng Anh trung bình, nếu không muốn nói là kém.
Lý Kiện Ba còn nói kỳ thi cuối kỳ cũng không khó, bởi sẽ được cấp 1 "giáo trình kiểm tra" gồm 50 câu hỏi. Tuy nhiên, trên thực tế học viên chỉ cần chuẩn bị 1 câu hỏi bất kỳ, bởi giáo viên cũng không hiểu bạn trả lời những gì.
Trong một nhóm WeChat du học sinh tại Belarus, 1 bạn sinh viên hỏi: "Có quá nhiều câu hỏi cần phải học thuộc, có ai có cách gì không?"
1 học sinh khác chia sẻ "kinh nghiệm" của mình bằng hội thoại đơn giản: "Hello teacher, I'm XXX, I like singing, jumping and playing basketball." (Xin chào, tôi là XXX, thích hát, nhảy và chơi bóng rổ) Các bạn trong nhóm cũng an ủi: "Chỉ cần biết 'yes, ok' là qua thôi."; "Cứ cười với giáo viên nhiều 1 chút là được."
Chưa dừng lại ở đó, bên trung gian còn cung cấp 1 dịch vụ chỉ 58 nghìn tệ (tương đương 204 triệu đồng) sẽ nhận được 1 trợ giảng. Dịch vụ trên bao gồm: giúp học viên trả lời các câu hỏi và giúp dịch bài tập về nhà sang tiếng Anh.
Tuy nhiên, Cát Mai đang theo học trực tuyến tại trường Đại học Belarus, lại cảm thấy giáo viên rất nghiêm khắc. Hầu như tuần nào cũng phải thức khuya để làm bài tập về nhà.
"Các giáo viên giảng dạy rất nghiêm túc, ngoài vấn đề nội dung thì những lỗi cơ bản như chọn phông chữ, màu sắc, làm thế nào để bài thuyết trình PPT trở nên nghệ thuật hơn cũng được giáo viên nhắc nhở."
"Các bài kiểm tra đều được bảo mật và không có cơ hội gian lận." - Cát Mai nói không có trường hợp đề thi được chuẩn bị trước khi kiểm tra.
Ông Vương Hồng Liệt, người phụ trách cơ quan môi giới và làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở Belarus trong nhiều năm giải thích rằng, các trường nằm ở vùng Minsk, tức là vùng thủ đô của Cộng hòa Belarus, có chất lượng giảng dạy tốt hơn, đặc biệt là ở các trường đại học quốc gia.
Trong quá trình "du học" trực tuyến, Lý Kiện Ba đã nhiều lần gặp phải chuyện khiến anh "không vui", do đó, anh muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa nhà trường và người trung gian.
Ban đầu, để tiện cho việc giao lưu giữa các học viên, Lý Kiện Ba đã thành lập nhóm WeChat. Sau khi biết chuyện, bên trung gian đã uy hiếp và yêu cầu anh giải tán nhóm WeChat, nếu không sẽ thông báo với nhà trường và đuổi học.
"Điều bất ngờ hơn là giám đốc Văn phòng Đối ngoại của trường thực sự đến để cảnh cáo tôi." - Lý Kiện Ba nói.
Về phía Hàn Hoa, sau khi nhận giúp phiên dịch cho 1 số học sinh trong kỳ thi cuối kỳ, giám đốc Văn phòng Đối ngoại trường cũng đến gặp cô, đồng thời bày tỏ: "Chúng tôi đã ký hợp đồng với bên trung gian, và không cho bên thứ 3 can thiệp."
Chênh lệch thời gian học, đồng thời tốt nghiệp
Lý Kiện Ba cho biết khi đăng ký vào tháng 9/2020, học phí của họ là 2.300 USD (tương đương 53 triệu đồng), còn phí ghi danh của tháng 12 đã lên tới 3.000 USD (tương đương 69 triệu đồng).
"Đây là chỉ tiêu tuyển sinh lại đợt tháng 9. Nói cách khác, cho dù có chênh lệch thời gian học 3 tháng và học phí khác nhau, cả 2 nhóm vẫn đồng thời tốt nghiệp." - Bên trung gian giải thích.
Tuy nhiên, ông Vương Hồng Liệt cho rằng thời gian nhập học khác nhau sẽ không thể "tốt nghiệp cùng 1 lúc." Ngoài ra, Bộ Giáo dục Belarus quy định số giờ học của thạc sĩ phải đủ 10 tháng.
Liệu có nhận được chứng chỉ?
10 tháng trôi qua, nhóm du học sinh đăng ký khóa học trên đang chuẩn bị sang Belarus để bảo vệ luận văn tốt nghiệp, thì vào ngày 19/3/2021, Trung tâm Du học đã ban hành thông báo mới. Qua đó cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, 1 số trường đại học và tổ chức trung gian ở 1 số quốc gia đã liên tục triển khai các khóa học trực tuyến và tuyển sinh sinh viên Trung Quốc bằng cách giảm yêu cầu nhập học, yêu cầu tốt nghiệp hoặc rút ngắn giờ học. Những hành vi trên bị nghi ngờ là "bán văn bằng trá hình". Thông báo nêu cụ thể rằng những văn bằng đó "không nằm trong phạm vi chứng nhận của trung tâm chúng tôi."
Những bằng cấp học vấn không được chứng nhận bởi Trung tâm Du học chỉ là 1 tờ giấy thông thường. Nhóm du học sinh ngày nào cũng bắt đầu "lên lớp" tại gia lúc 1h chiều đều cảm thấy nóng ruột.
Khi nhận được thông báo trên, Lý Kiện Ba cùng nhiều "du học sinh" theo học trực tuyến khác gần như tuyệt vọng: "Đây không còn là quảng cáo du học nữa, mà là "tuyên truyền sai lầm và lừa đảo".
Theo Nguyên Dũng TT (Trí Thức Trẻ)