Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy người dân ở hai vùng Lombardy và Veneto của Ý đều muốn chính phủ tại Rome trao thêm quyền tự trị cho vùng của họ.
Theo hãng tin Bloomberg, ngày 22-10, khoảng 11 triệu cử tri (chiếm gần 1/4 dân số Ý) tại hai khu vực giàu có nhất ở miền bắc nước Ý là Lombardy và Veneto đã tham dự cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề trao thêm quyền tự chủ cho vùng.
Các biểu ngữ cổ động với chữ "Yes" (đồng ý) tại vùng Veneto của Ý. |
Các cử tri có hai lựa chọn đồng ý/không với việc yêu cầu chính phủ tại Rome trao thêm quyền tự chủ cho các khu vực này trong các vấn đề: được giữ lại nhiều hơn thu nhập từ thuế, kiểm soát nhập cư và các vấn đề của hệ thống giáo dục.
Cuộc trưng cầu này, theo đài BBC, được hiến pháp Ý cho phép, tuy nhiên kết quả trưng cầu không có hiệu lực về mặt pháp lý. Chính quyền trung ương tại Rome cũng nói việc tổ chức trưng cầu ý dân như vậy là không cần thiết.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ, theo Reuters, đã có tới 90% cử tri đi bỏ phiếu ở hai khu vực này đồng thuận với việc chính phủ trung ương Ý trao thêm quyền tự trị cho vùng của họ.
Kết quả trưng cầu mặc dù không có hiệu lực về mặt pháp lý và quyền tự trị cho một vùng sẽ phải do quốc hội Ý phê chuẩn, nhưng đó sẽ là động lực chính trị quan trọng, củng cố thêm cho đảng chống nhập cư Northern League trước cuộc tổng tuyển cử tại Ý vào đầu năm tới. Thống đốc của cả hai vùng Lombardy và Veneto đều là đảng viên của Northern League.
Kết quả trưng cầu cũng là lợi thế chính trị để các chính quyền khu vực có được tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các cuộc thương thảo với chính phủ trung ương tại Rome.
Hai vùng kinh tế thịnh vượng nhất ở miền bắc nước Ý chiếm khoảng 30% trong GDP của Ý. Tuy nhiên các lãnh đạo cũng như nhiều người đóng thuế ở khu vực này không hài lòng khi tiền thuế của họ được sử dụng để tài trợ cho vùng nghèo khó hơn ở miền nam.
Những người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân tại Lombardy và Veneto (với thủ phủ lần lượt là Milan và Venice) cho rằng vấn đề của họ không giống với cuộc bỏ phiếu đòi ly khai của xứ Catalonia ở Tây Ban Nha, mà giống hơn với phát triển ly khai và tự trị ở Scotland và Pháp.
Nhưng nói gì thì nói, căn cứ vào thời điểm diễn ra của cuộc trưng cầu ý dân kép tại Ý và thời điểm của cuộc khủng hoảng chính trị tại Catalonia, có thể thấy rõ phong trào ly khai tại châu Âu đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ.
Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)