Sắp đến địa ngục
Các bệnh viện của Ấn Độ đã quá tải, không thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 thêm nữa nhưng các bác sĩ ở Delhi lại cảnh báo tình hình ở quốc gia Nam Á này có thể còn tồi tệ hơn trong thời gian tới.
Thật khó có thể tưởng tượng tình hình sẽ tồi tệ đến mức nào nữa khi hiện nay, người dân Ấn Độ đang chật vật khẩn cầu oxy trên đường phố, nhiều người bệnh đã gục ngã và qua đời ngay trước ngưỡng cửa bệnh viện, còn giới chức thì nói rằng, oxy giờ đây quý như vàng.
Mặc dù, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đang thực hiện các biện pháp cần thiết và trấn an người dân, các đối tác quốc tế đang tổ chức những chuyến bay viện trợ tới Ấn Độ nhưng bác sĩ nước này đều nói rằng, họ đang chuẩn bị tinh thần cho những tuần khắc nghiệt phía trước.
"Tình hình hiện đang rất nguy cấp. Đây là đại dịch tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến cho đến nay. Hai tuần tới sẽ là địa ngục với chúng tôi", bác sĩ - Tiến sĩ Shaarang Sachdev, làm việc tại Bệnh viện chuyên khoa chăm sóc sức khỏe Aakash chia sẻ với Sky News (Anh).
Ông cho biết, trong phòng cấp cứu của mình, nơi được trang bị điều trị cho ba bệnh nhân nhưng nay thường xuyên phải tiếp đón bảy hoặc tám người.
“Người phụ nữ đó lẽ ra giờ đang ở phòng chăm sóc tích cực ICU", ông chỉ vào một phụ nữ trẻ đang thở máy. "Cô ấy đã ở đây hai ngày vì không có giường trong phòng ICU".
Các y tá và bác sĩ thường làm việc theo ca. Một số có người thân bị nhiễm Covid-19 cũng được điều trị tại bệnh viện nơi họ làm việc.
"Chúng tôi thậm chí không có thời gian để đi thăm họ", ông Sachdev nói họ kiệt quệ cả về sức khỏe và tâm lý - thậm chí, nhiều người còn rất tức giận.
Giám đốc bệnh viện Aakash, Tiến sĩ Aashish Chaudhry, cho biết ông thường xuyên phải thức dậy nhiều lần mỗi đêm để kiểm tra nguồn cung cấp oxy cũng như tìm nguồn cung cấp oxy mới.
"Giờ đây, tôi đang phải mua oxy với tỷ giá giao dịch của vàng", ông nói.
"Tình hình đã [tồi tệ] đến mức đó, còn tại thị trường chợ đen, hoạt động mua bán oxy vẫn diễn ra rất sôi nổi" ông Chaudhry nói giá oxy cũng như giá nhiều loại thuốc ở chợ đen hiện đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 10 lần. "Điều này không nên xảy ra".
...Nhưng các bác sĩ đang rất cần và buộc phải mua những gì có thể để giữ mạng sống cho bệnh nhân.
Trong khi đó, bác sĩ Piush Girdar nói rằng, ông chưa bao giờ chứng kiến nhiều trường hợp tử vong như vậy trong phòng ICU của bệnh viện. Ông nói: "Tôi có thể nhận được 50 cuộc gọi mỗi ngày, họ yêu cầu cung cấp thuốc men, giường bệnh và xi lanh.... nhưng chúng tôi không có sẵn mọi thứ còn bệnh nhân thì cứ chết dần".
Tổn thương quốc gia
Bà Anoo Bhuyan, nhà báo chuyên về lĩnh vực y tế ở Delhi cho biết, Ấn Độ đang phải chịu đựng nỗi đau mang tầm quốc gia dù các viện trợ bắt đầu đến.
Chia sẻ với Morning Report, bà cho biết: “Các nhà thống kê và học giả dự đoán rằng số ca nhiễm của Ấn Độ lớn hơn gấp nhiều lần những gì đang được báo cáo".
"Nếu chúng tôi nghĩ rằng đó đã là điều tồi tệ và dịch bệnh đã đạt đỉnh, thì không phải đâu. Ít nhất là theo như các nhà thống kê, họ nói rằng đỉnh dịch của chúng tôi vẫn chưa đến".
Các nghĩa trang và lò hỏa táng ở nhiều thành phố đã vỡ trận, đặc biệt là ở phía bắc Ấn Độ, nhiều gia đình đang phải hỏa táng người thân trên vỉa hè.
"Tôi không biết mọi người đang đối phó với đại dịch như thế nào", nữ nhà báo Bhuyan chia sẻ.
"Tôi biết nhiều gia đình đã mất rất nhiều thành viên, một người bạn của tôi đã mất cả cha lẫn mẹ vào tuần trước và giờ anh ấy cũng đang phải vật lộn với Covid, một người bạn khác của tôi đã mất bốn thành viên trong gia đình trong tuần trước".
"Không có từ nào để diễn tả".
"Đó là nỗi đau quốc gia, tổn thương quốc gia".
Bhuayn cho biết các dịch vụ thiết yếu bao gồm vận tải và giao hàng thực phẩm vẫn có thể hoạt động trong những đợt phong tỏa gần đây tuy nhiên ở một số vùng, các lễ hội tôn giáo vẫn tiếp diễn.
"Tôn giáo ở Ấn Độ là một phần quan trọng của chính trị và các chính trị gia luôn đưa ra những ngoại lệ cho tôn giáo".
Bà cho biết thêm máy thở và oxy đang được các nước viện trợ nhưng đó là cách tiếp cận rất chắp vá trong khi Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu các nhân viên chăm sóc sức khỏe được đào tạo bài bản.
Bà nói: "Dù cơ sở hạ tầng được đảm bảo thì hệ thống y tế cũng không thể hoạt động hiệu quả".
Theo An An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)