Theo kế hoạch huấn luyện, các đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, đảm bảo cho bộ đội tinh nhuệ về trình độ và khả năng tác chiến. Công tác huấn luyện đảm bảo sát thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao.
Trong lễ ra quân huấn luyện đầu năm, hàng loạt phương tiện và vũ khí hiện đại của Hải quân Việt Nam đã xuất hiện, trong đó có tàu ngầm kilo, tàu tên lửa, tên lửa chống hạm P-15...
Khi nhắc tới những chiến công của tên lửa đối hạm, người ta thường nhớ ngay tới tên lửa Exocet của Pháp. Tuy nhiên loại tên lửa đối hạm có lịch sử tham chiến sớm nhất và dày dạn nhất lại là P-15 Termit do Liên Xô sản xuất.
Đây là một trong những loại tên lửa diệt hạm được xem là thành công nhất trên thế giới, trang bị cho nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam).
Lần tham chiến đầu tiên của tên lửa P-15 xảy đến không lâu sau cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967, trong suốt cuộc chiến được gọi là “Chiến tranh tiêu hao” khi lực lượng vũ trang của Israel và Ai Cập liên tục đụng độ xung quanh khu vực bán đảo Sinai.
Vào ngày 21/10/1967, khu trục hạm Eliat của Israel khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu đã phạm phải sai lầm khi tiến đến quá gần cảng Said.
Khi đó, 2 tàu tên lửa lớp Komar của Ai Cập vũ trang với 2 tên lửa P-15 mỗi chiếc đã khai hỏa 4 tên lửa từ vị trí bên trong bến cảng, 3 tên lửa đầu tiên đã đánh trúng mục tiêu khiến tàu chiến của Israel bị bẻ gãy làm đôi và nhanh chóng chìm xuống nước.
Tên lửa thứ 4 khi bay đến nơi thì mục tiêu của nó chỉ còn là những mảnh vỡ nhỏ. Thất bại này là một cú sốc lớn cho lực lượng Hải quân Israel nhưng cũng thúc đẩy họ nhanh chóng phát triển những biện pháp đối phó lại tên lửa chống tàu.
Theo nguồn tin đặc biệt từ các chuyên gia tên lửa của Nga là A.E. Taras và A. Shirokorad thì chiến công khác của tên lửa P-15 đến vào đúng 1 năm sau đó.
Vào ngày 21/10/1968, các tàu tên lửa Osa của Ai Cập đã phóng một loạt tên lửa P-15 và đánh chìm "tàu buôn" 10.000 tấn của Israel được hoán cải thành tàu do thám. Cuộc đụng độ này được báo cáo là diễn ra ở gần bờ biển Ai Cập, tuy nhiên thông tin này sau đó đã không được Phương Tây xác nhận.
Theo Chi Nguyễn (Đất Việt)