Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Liên Xô cạnh tranh ảnh hưởng với nhau trên khắp thế giới. Hai bên đã quá quen thuộc với từng động thái của nhau.
Các cuộc diễn tập hàng năm trong nhiều trường hợp có thể dự đoán trước về thời gian và địa điểm, điều này cho phép phía bên kia dự đoán và phản ứng theo một cách nào đó mà cũng có thể đoán trước được.
Ngày nay, hải quân Nga hiện đại mặc dù số lượng tàu nhỏ hơn nhiều so với trước đây nhưng các hoạt động triển khai lại vô cùng khó lường. Trong khi đó, hải quân Mỹ thì ngày càng trở nên kém linh hoạt hơn so với chính mình của vài thập kỷ trước đó.
Với gần 300 tàu lớn nhỏ và hàng chục ngàn thủy thủ là một nỗ lực tốn kém. Duy trì các cơ sở bảo trì tàu và đào tạo thủy thủ với một nguồn ngân sách hạn chế đã tạo ra thách thức rất lớn với Hải quân Hoa Kỳ nhằm giữ vững tầm ảnh hưởng trên các đại dương.
Đại úy Dale Rielage cho biết, “thay vì thiết kế kế hoạch tác chiến tối ưu cho hạm đội, chúng tôi đang triển khai theo kiểu công nghiệp và dễ đoán”.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của Tư lệnh Hải quân John Lehman, các cuộc diễn tập của hải quân Mỹ trở lên “sống động” và khó dự đoán hơn.
Và mới đây lịch trình triển khai gần đây của nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) USS Harry S. Truman (CVN-75) là một minh chứng sống động về những thay đổi trong triển khai lực lượng của hải quân nhằm nâng cao “khả năng tác chiến không thể dự đoán trước”.
“Chúng tôi hoan nghênh việc triển khai trong thời gian ngắn và đề xuất điều này sẽ diễn ra nhiều hơn”, Phó Đô đốc William Moran phát biểu tại Đại học Hải quân hồi tháng Ba năm nay.
Tất nhiên, “việc không thể đoán trước” không chỉ đơn giản là thay đổi ngày tháng và thời gian triển khai. Hải quân Mỹ muốn truyền tải đi thông điệp rằng, “Hải quân Mỹ có thể triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến bất kỳ đâu trên thế giới trong một thời gian ngắn để giải quyết các xung đột”.
Sự xuất hiện của CVN-75 ở Địa Trung Hải mới đây mang thông điệp như vậy, một lời cảnh báo ngầm đến Iran và các lực lượng được Tehran hậu thuẫn đang chiến đấu chống lại IS ở Syria.
Sau đó, USS Harry S. Truman bất ngờ rời Địa Trung Hải để hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương, khu vực mà tàu ngầm Nga đang hoạt động trở lại từ sau Chiến tranh Lạnh, để gửi tín hiệu cho người Nga đồng thời cũng là để củng cố cam kết của Mỹ đối với các đồng minh NATO.
Động thá triển khai ngắn hạn gần đây của biên đội CVN-75 là những bước đi đầu tiên của Hải quân Mỹ làm cho các đối thủ của Mỹ phải luôn tự hỏi khi nào và ở đâu tàu hải quân Mỹ sẽ xuất hiện, họ sẽ làm gì và họ sẽ ở lại bao lâu.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với Hải quân Mỹ hiện nay là để duy trì sự khó lường nhưng vẫn phải đảm bảo những hoạt động cốt lõi của các hạm đội, điều khiến nó trở nên dễ đoán.
Theo Như Ý (Đất Việt)