Dù pháo điện từ có uy lực mạnh, chi phí hợp lý nhưng Lầu Năm Góc không muốn phát triển vũ khí, trái với hải quân Mỹ.
Uy lực của pháo điện từ. Ảnh: YouTube. |
Hôm 26/6 vừa rồi, hải quân Mỹ công bố kế hoạch tiếp tục phát triển pháo điện tử (còn gọi là “súng ray”). Đây được coi là vũ khí của tương lai và có thể sẽ trở thành vũ khí hiện đại nhất của quân đội Mỹ.
Tuy nhiên các quan chức của hải quân Mỹ tiếp tục gặp phải sự cản trở từ phía ngành công nghiệp quốc phòng và giới chức quốc phòng ở Washington vì vũ khí này có thể thay thế các hệ thống tên lửa tầm ngắn hiện nay.
Lầu Năm Góc lên kế hoạch chi thêm 800 triệu USD để chỉnh sửa các pháo hiện nay nhằm bắn được loại đạn dành cho pháo điện từ. Tuy nhiên các loại pháo qua chỉnh sửa này có thể hoạt động kém chính xác và với tầm bắn ngắn hơn.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work hồi tháng 5 nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng súng dùng thuốc nổ có thể bắn đạn có tốc độ bay nhanh như pháo ray điện từ. Tuy nhiên ông này lờ đi chi tiết là pháo chỉnh sửa có chi phí cao gấp đôi pháo điện từ.
Bất chấp áp lực từ Lầu Năm Góc, hải quân Mỹ vẫn thích súng ray hơn là pháo chỉnh sửa bởi vì pháo điện từ làm giảm nguy hiểm đối với nhân viên quân sự trên tàu, do không dùng đạn thuốc nổ dễ cháy.
Pháo điện từ có thể phóng đi những viên đạn với tốc độ tới Mach7,5 – gấp hơn 7 lần tốc độ âm thanh, với tầm bắn tới hơn 160km. Pháo điện từ do vậy hiệu quả ngang với tên lửa Tomahawk mà chi phí thấp hơn nhiều.
Tom Boucher, nhà quản lý chương trình pháo điện từ của Cục Nghiên cứu Hải quân Mỹ tin rằng các quan chức Lầu Năm Góc đã sai lầm khi làm ngơ trước vũ khí điện từ này.
Ông Boucher nói: “Súng ray mang tính chất cách mạng về khía cạnh tạo gia tốc cho viên đạn. Pháo dùng đạn nổ đã được phát triển “kịch kim” rồi, trong khi pháo điện từ mới chỉ đang bắt đầu”./.
Theo Trung Hiếu (Vov.vn)