Hải quân Mỹ bất đồng gay gắt với kế hoạch 355 tàu chiến

21/03/2017 14:51:00

Các quan chức Hải quân Mỹ đang bất đồng quan điểm trong đề xuất phát triển tàu ngầm phi hạt nhân để mở rộng hạm đội lên 355 tàu chiến nhằm đáp ứng các mối đe dọa toàn cầu.

Các quan chức Hải quân Mỹ đang bất đồng quan điểm trong đề xuất phát triển tàu ngầm phi hạt nhân để mở rộng hạm đội lên 355 tàu chiến nhằm đáp ứng các mối đe dọa toàn cầu.

Tạp chí National Interest cho biết trong phiên điều trần trước Hạ viện của Tiểu ban Sức mạnh và Lực lượng trên biển vào đầu tháng 3, để bàn về kế hoạch thiết kế hạm đội tương lai.

Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, Tập đoàn Mitre (tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh phi lợi nhuận) phối hợp cùng nhau và các quan chức Hải quân Mỹ nghiên cứu, đánh giá các loại tàu có thể trang bị cho hạm đội tương lai.

Hải quân Mỹ ước tính cần 355 tàu để hoàn thành sứ mệnh trên các đại dương khắp thế giới, tăng 30% so với hiện tại. Việc mở rộng hạm đội tàu chiến đặt ra thách thức lớn về chi phí trong khi phải đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Chi phí thấp

Tập đoàn Mitre đề xuất nối lại việc chế tạo tàu ngầm điện-diesel đã bị ngưng từ những năm 1950. Các chuyên gia đã nêu ví dụ về tàu ngầm điện-diesel lớp Soryu của lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, một trong những tàu ngầm phi hạt nhân tốt nhất thế giới.

Các quan chức lập luận, tàu ngầm lớp Soryu có đơn giá khoảng 540 triệu USD, trong khi đó chi phí cho mỗi tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia thấp nhất cũng tới 2,6 tỷ USD (tương đương với gần 5 tàu lớp Soryu). Tập đoàn Mitre cho rằng Hải quân Mỹ nên xây dựng hạm đội tàu ngầm kết hợp giữa tàu ngầm hạt nhân và điện-diesel.

Hai quan My bat dong gay gat voi ke hoach 355 tau chien hinh anh 1
Tập đoàn Mitre đề xuất Hải quân Mỹ nên phát triển tàu ngầm phi hạt nhân tương tự lớp Soryu của Nhật Bản. Ảnh: JMSDF

Báo cáo của Mitre dẫn chứng, tàu ngầm lớp Soryu có phạm vi hoạt động khoảng 11.200 km, khoảng cách đủ xa để hoạt động trên toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Nghiên cứu của Tập đoàn Mitre chỉ ra thành công của hạm đội tàu ngầm điện-diesel Mỹ trong Thế chiến II.

Mặt khác, tàu ngầm lớp Soryu được trang bị động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) có thể hoạt động liên tục dưới nước lên đến 14 ngày. Tàu ngầm phi hạt nhân không cần những máy bơm khổng lồ và ồn ào để làm mát lò phản ứng, nên chúng có khả năng tàng hình rất cao.

Việc phát hiện chúng dưới nước không phải là điều dễ dàng, ngay cả với lực lượng hải quân có năng lực tác chiến chống ngầm hàng đầu thế giới của Mỹ.

Torsten Heinrich, nhà sử học quân sự Đức từng đề nghị Hải quân Mỹ nên nối lại việc sản xuất tàu ngầm phi hạt nhân. Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia là một vũ khí tuyệt vời, song tàu ngầm điện-diesel tối tân không chỉ tạo ra sự nguy hiểm cho đội tàu mặt nước mà còn cho chính các tàu ngầm hạt nhân, ông Heinrich nhận xét.

Tàu ngầm diesel không an toàn?

Tuy nhiên, Charles Werchado, phó Chánh văn phòng, Bộ chỉ huy chiến dịch, Hải quân Mỹ phản đối kế hoạch của tập đoàn Mitre. “Nếu là một quốc gia như Trung Quốc, tôi sẽ mua rất nhiều tàu ngầm điện-diesel, vì tôi biết kẻ thù đang đến để chiến đấu trên vùng biển của tôi. Nhưng Mỹ là lực lượng hải quân toàn cầu, nếu phát triển tàu ngầm phi hạt nhân sẽ cần mua thêm tàu tiếp dầu và rất dễ bị tổn thương trong chiến đấu khi tiếp nhiên liệu”, ông Werchado nói.

Hai quan My bat dong gay gat voi ke hoach 355 tau chien hinh anh 2
Ông Werchado cho rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia mới phù hợp với chiến lược hải quân toàn cầu của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông Werchado cho rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân Virginia không cần phải tiếp nhiên liệu trên biển nên an toàn và có phạm vi hoạt động hầu như không giới hạn, ngoại trừ vấn đề nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn. Trong khi đó, tàu ngầm điện-diesel có phạm vi hoạt động hạn chế nên phải tiếp nhiên liệu thường xuyên.

Werchado cho rằng việc tiếp nhiên liệu cho tàu ngầm điện-diesel trên biển là không an toàn, dễ bị đối phương tấn công. “Tôi cho rằng đó không phải là lựa chọn phù hợp khi chúng ta cần xây dựng lực lượng hải quân toàn cầu”, Werchado nói với USNI News.

Trong khi đó, báo cáo của Tập đoàn Mitre dẫn chứng, Mỹ có nhiều căn cứ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản có thể sử dụng làm trạm trung chuyển cho tàu ngầm điện-diesel, nên vấn đề tiếp nhiên liệu không phải là thách thức quá lớn.

James Holmes, giáo sư về chiến lược Học viện Chiến tranh Hàng hải nói rằng báo cáo của Tập đoàn Mitre đáng được lưu tâm và cần trình lên Quốc hội. Hạm đội tàu ngầm kết hợp giữa hạt nhân và diesel là lựa chọn hợp lý và bổ sung lẫn nhau giúp nâng cao năng lực tác chiến, lấp đầy khoảng trống chiến thuật cho Hải quân Mỹ. 

Theo Quốc Việt (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật