Tuy có số lượng ít hơn Trung Quốc, nhưng sức mạnh của Hải quân Ấn Độ vẫn cực kỳ đáng gờm nhất là khi họ tích hợp tên lửa diệt hạm BrahMos lên các tàu chiến, ngoài tàu sân bay Ấn Độ còn sở hữu cả tàu ngầm nguyên tử chiến lược cùng những khu trục hạm hàng đầu thế giới.
Hải quân Ấn Độ có 03 Bộ Tư lệnh- Bộ Tư lệnh phía Tây (Bombay), Bộ Tư lệnh hướng Nam (Cochi) và Bộ Tư lệnh hướng Đông (Visakhapatnam). Hải quân Ấn Độ có 295 tàu, trong đó có 3 tàu sân bay (1 tàu đã biên chế, 1 tàu đang chế tạo và 1 tàu đang có kế hoạch đóng), 14 khinh hạm, 11 khu trục, 23 tàu hộ tống, 15 tàu ngầm, 139 tàu tuần tra và 6 tàu tác chiến mini. Hải quân Ấn Độ đang tích cực mua sắm hoặc đóng mới thêm nhiều tàu để mở rộng hạm đội của mình để vươn ra đại dương trong tương lai. Nổi bật nhất là tàu sân bay Vikramaditya tượng trưng cho sức mạnh hải quân Ấn Độ. Tàu được trang bị những phi đội tiêm kích hạm MiG-29K đầy uy lực. Hiện hải quân Ấn Độ đang thuê tàu ngầm nguyên tử chiến lược Nherpa thuộc dự án 971 của Nga. Đây được coi là những tàu ngầm tấn công hạt nhân khủng khiếp nhất thế giới. Tàu có lượng giãn nước khi lặn khoảng 12.800 tấn, có thể lặn sâu tới 600 m và di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ. Tàu ngầm này có thể hoạt động liên tục dưới nước trong 100 ngày với thủy thủ đoàn 73 người. Tàu ngầm lớp Project 971 được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm và 4 ống phóng ngư lôi 650 mm, cho phép bắn ngư lôi, tên lửa chống tàu ngầm RPK-2 hoặc RPK-6 có thể lắp đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra Ấn Độ cũng đang sở hữu tàu ngầm hạt nhân INS Arihant do chính nước này phát triển dưới sự trợ giúp của Nga. Tàu INS Arihant dài 112 mét, nặng 6.000 tấn, thủy thủ đoàn có thể lên tới 100 người. INS Arihant được chế tạo để có thể mang và phóng tên lửa đạn đạo nhắm tới mục tiêu cách nó 700 km. Hải quân Ấn Độ có 09 chiếc tàu ngầm dự án 877 Kilo. Đây là những tàu ngầm điện diesel cực nguy hiểm với mệnh danh "hố đen đại dương". Ngoài ngư lôi, tàu ngầm Kilo còn có thể mang tên lửa diệt hạm 3M-54 Klub, loại tên lửa này đủ sức nhấn chìm tàu khu trục vài ngàn tấn. Loại tàu ngầm điện diesel Type 209/1500 của Đức cũng được Hải quân Ấn Độ sử dụng với 4 chiếc. Loại tàu ngầm này còn được đánh giá mạnh không thua kém tàu ngầm Kilo của Nga. Ngoài tàu ngầm Kilo có số lượng lớn nhất, Hải quân nước này cũng đang đóng 03 chiếc tàu ngầm kiểu “ Scorpaena” mới nhất của Pháp (dự kiến sẽ đóng 6 chiếc). Khi đưa vào trang bị, đây sẽ là loại tàu ngầm phi hạt nhân mạnh nhất của Ấn Độ. Ấn Độ đang có trong biên chế những chiếc khu trục lớp Kolkata được trang bị tên lửa chống hạm BrahMos tầm bắn 300 km, các chuyên gia quân sự đánh giá là vũ khí diệt hạm nguy hiểm nhất thế giới. Tàu Kolkata trang bị 16 ống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos. Tên lửa có tốc độ tới 3.700 km/h nên việc đánh chặn gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”. BrahMos mang theo đầu đạn nặng 300 kg. Ngoài ra còn có 32 hệ thống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa đánh chặn tầm trung Barak-8 với tầm bắn 90km, một pháo hạm Oto Melara 76 mm, 4 pháo bắn siêu nhanh AK-630 do Nga chế tạo đảm nhận vai trò phòng thủ tầm cực gần, 4 ống phóng ngư lôi 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng chống ngầm AgustaWestland Sea King hoặc HAL Dhruv. Loại tàu chiến thứ hai đáng gờm chính là tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar. Talwar sử dụng hệ thống cảm biến chính do Nga sản xuất gồm: Radar tìm kiếm mục tiêu trên không FREGAT-M2EM. Radar hoạt động ở băng tần E với 2 mảng ăng ten bố trí đối xứng nhau cung cấp 3 tham số mục tiêu (cự ly, phương vị và độ cao), phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa 300 km. Ngoài tên lửa 8 tên lửa diệt hạm BrahMos, tàu còn có pháo hạm 100mm, pháo bắn nhanh AK-630, hệ thống rocket và ngư lôi chống ngầm. Trên tàu cũng bố trí sân đỗ trực thăng phía sau đuôi tàu. Việc kết hợp các tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos lên các tàu chiến biến sức mạnh của Hải quân tăng lên rõ rệt, điều này giúp Hải quân Ấn Độ đủ sức đương đầu với bất kể đối thủ nào kể cả Trung Quốc. |
Theo Việt Hùng (An Ninh Thủ Đô)