Sau đó 1 ngày, Quốc hội khóa mới nước Mỹ sẽ nhóm họp để kiểm đếm kết quả phiếu bầu đại cử tri, qua đó xác nhận lần cuối người sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới.
Ngày 4/1 (theo giờ địa phương), cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden có kế hoạch đến bang Georgia để vận động cử tri đi bầu bổ sung 2 ghế tại Thượng viện.
Nếu 1 trong 2 ứng viên của đảng Cộng hòa giành chiến thắng thì đảng này sẽ giành thế đa số tại Thượng viện. Tuy nhiên, nếu cả 2 ứng viên đảng Dân chủ giành được nhiều phiếu bầu hơn, thì đảng Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện nhờ lá phiếu phá thế hòa của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris.
Trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra, ứng cử viên đảng Cộng hòa David Perdue đã kêu gọi: “Cử tri Georgia có quá nhiều quyền lực phải không, và sau 4 năm hận thù, phân biệt chủng tộc, chia rẽ, Georgia sẽ đưa ra tuyên bố về tình yêu và sự đàng hoàng, lòng trắc ẩn và sự đoàn kết, bởi vì đó là những gì mà Georgia đại diện. Đây là một phong trào vì sức khỏe, việc làm và công lý cho người dân, cho tất cả mọi người”.
Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Jon Ossoff cũng kêu gọi người dân bỏ phiếu cho mình, đồng thời chỉ trích việc Tổng thống Mỹ đang gây sức ép lên các quan chức bầu cử bang này để lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống hôm 3/11 vừa qua.
“Tổng thống Mỹ đã gọi cho các quan chức bầu cử của Georgia và cố gắng thay đổi kết quả cuộc bầu cử, tước quyền của các cử tri Georgia - những người tại bang này đã bỏ phiếu cho Joe Biden và Kamala Harris. Đó là 1 cuộc tấn công trực tiếp vào nền dân chủ của chúng ta”, ứng viên Ossoff nhận định.
Theo kết quả các cuộc khảo sát gần đây, sự ủng hộ của cử tri với các ứng cử viên của hai đảng là khá đồng đều, dự báo một cuộc bầu cử gay cấn sẽ diễn ra tại Georgia vào ngày mai.
Sau đó 1 ngày (6/1), Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành nhóm hop để kiểm đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri, qua đó “phê chuẩn” người sẽ là Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới. Thông thường cuộc họp này chỉ mang tính hình thức, tuy nhiên, lần này, các thành viên Đảng Cộng hòa đang muốn bác bỏ chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden và điều này sẽ khiến cuộc họp này trở nên “khác biệt”.
Đến nay, hơn 100 hạ nghị sĩ và hơn chục thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ tham gia nỗ lực thách thức kết quả bầu cử trong cuộc họp tới.
Còn theo Tổng thống Donald Trump, một cuộc biểu tình lớn cũng sẽ diễn ra tại thủ đô Washington D.C vào 11h ngày 6/1, nhằm thể hiện tiếng nói phản đối việc “gian lận bầu cử” cũng như việc xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, ông cũng sẽ có mặt ở đó “trong ngày lịch sử”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ khó thành công, do họ không đưa ra được những chứng cứ đủ thuyết phục cho các cáo buộc gian lận. Trong khi, kết quả bầu cử cũng đã được xác nhận bởi nhiều thẩm phán, thống đốc, quan chức bầu cử, Đại cử tri đoàn, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa và Tòa án Tối cao.
Hôm qua (3/1), một nhóm nghị sĩ gồm một số thành viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã ra tuyên bố chung kêu gọi Quốc hội nên công nhận kết quả bầu cử. Nhóm gồm 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng cùng ngày cũng kêu gọi quân đội Mỹ phải đứng ngoài quá trình chuyển giao quyền lực Tổng thống./.
Theo Đình Nam (vov.vn)