Hai lao động Việt Nam hôm qua ra tòa làm chứng chống lại hai ông chủ Trung Quốc tại nhà máy dệt may ở quốc đảo Malta với cáo buộc nợ lương và bạc đãi họ.
Công ty dệt may Leisure Clothing ở quốc đảo Malta. Ảnh: Times of Malta |
Theo Malta Today, giám đốc quản lý của công ty Leisure Clothing, ông Han Bin, 46 tuổi, và giám đốc marketing Jia Liu, 31 tuổi, bị buộc tội buôn người và vi phạm luật lao động.
Họ bị tố biển thủ lương của các công nhân người Việt, không trả lương, tiền làm thêm giờ và tiền phụ cấp cho nhân viên, cũng như không tuân thủ các điều kiện làm việc.
Hai lao động Việt Nam là Tran Nang Do và Thi Thu Tran đã làm chứng trước tòa án về những cáo buộc trên.
Tran bị bắt hồi tháng 7/2014 cùng hai đồng hương khi chuẩn bị lên thuyền tới đảo Sicily của Italy với giấy tờ giả. Cảnh sát sau đó mở một cuộc điều tra và tiếp tục bắt giữ ông Han cùng ông Jia.
Tran khai cô đến Malta với mục đích duy nhất là tìm việc làm và gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà.
"Tôi không có ý định đến nước nào khác. Nhưng thực tế rất khác với những gì tôi được nghe kể và mong chờ. Tôi không thể tiếp tục công việc này nữa nên tôi phải bỏ đi", Tran nói. "Khi tôi bị ốm, tôi không được phép đi khám. Khi tôi đến đây, công ty liền tịch thu hộ chiếu của tôi".
Cả Tran và Do đều cho hay cứ hai tháng họ mới được trả 150 euro (170 USD). Tuy nhiên, Tran khai với tòa rằng hầu hết thời gian rảnh cô "đi mua sắm và đi chơi với bạn bè".
Tran cho hay nhân viên môi giới việc làm đe dọa rằng nếu cô khiếu nại, người này sẽ báo cáo cho cơ quan phụ trách lao động ở Việt Nam và cô sẽ bị phạt. Cô sợ bị mất 2.000 euro (2.200 USD) đặt cọc cho nhân viên môi giới để sang Malta làm việc nên đã bất chấp nguy hiểm, dùng giấy tờ giả để trốn khỏi Malta thay vì báo cáo với cảnh sát về việc bị bóc lột.
Tran không biết danh tính của người đã cung cấp giấy tờ giả cho cô, chỉ biết đó là "một người đàn ông da trắng", tiếp cận cô khi cô đang đi dạo gần nhà máy. Cô khẳng định cô không liên lạc với người này thông qua ai khác.
Do cũng giải thích tương tự. Anh cho hay mình sợ bị trả về Việt Nam và không trả được số tiền đã nợ công ty môi giới để sang Malta làm việc.
"Nếu công ty trả tôi về Việt Nam nghĩa là tôi phá hợp đồng và phải nộp tiền phạt. Nếu không có tiền, tôi sẽ phải ngồi tù", Do nói thêm.
Do cho hay lúc rảnh, anh tham gia đá bóng. "Vào ngày nghỉ, tôi phải cọ nhà vệ sinh ở đó. Tôi thấy mình bị đối xử bất công so với các công nhân người Hoa", anh nói.
Vụ việc đang được giới chức Malta tiếp tục điều tra.
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)