Nếu giới chức Mỹ thực sự có thể chứng minh những nhóm tin tặc Nga là thủ phạm tấn công, đánh cắp dữ liệu từ các máy tính của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC), thì sự việc cho thấy chiến lược kompromat của Nga đã mở rộng từ những đấu đá nội bộ sang vũ đài quốc tế.
Nước Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với tin tặc. Tuy nhiên, vụ tấn công nhằm vào DNC lại ở một bản chất khác. Thay vì sử dụng thông tin đánh cắp cho những mục đích tình báo, các thủ phạm đã chọn lọc các thông tin có thể gây ảnh hưởng, và cố tình rò rỉ chúng vào một trong những khoảnh khắc cột mốc của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để tác động.
Quảng trường Đỏ ở Nga. Một bộ phận quan chức Nga từ lâu đã sử dụng biện pháp thu thập thông tin đối thủ và tung ra để làm giảm uy tín. Ảnh: NYT |
Điều mà giới phân tích lo ngại là hoạt động này có thể sớm trở thành một phần trong những tranh chấp địa chính trị. "Đây không chỉ về nước Mỹ, không chỉ về ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton. Nếu họ (thủ phạm) cho rằng chiến dịch đã thành công tại Mỹ thì 'chúng ta có thể tiến hành đó ở bất kỳ đâu, chúng ta có thể thực hiện một lần nữa'", ông Thomas Rid, giáo sư nghiên cứu an ninh tại King's College London (Anh) trả lời trên báo New York Times.
Đánh cắp thông tin để hạ uy tín đối thủ
Hồi năm 2008, một bài báo trên Wired cho biết một cơ quan chính phủ Nga đã rò rỉ đoạn phim quay cảnh thác loạn của một phát thanh viên nổi tiếng trên web. Hành động được cho là sự trả đũa của cơ quan này trước nhiều chỉ trích, phê phán từ một đơn vị truyền thông có tiếng.
Hoặc trong một video rò rỉ khác, một công tố viên bị tung video đang nằm trên giường với 2 gái mại dâm trẻ tuổi. Nạn nhân trong đoạn phim lại là người đang chịu trách nhiệm điều tra vụ án tham nhũng của một quan chức cấp cao. Quá trình điều tra sau này cũng phải kết thúc không rõ lý do.
Kompromat cũng không chỉ giới hạn ở Nga, mà còn được áp dụng ở một số nước khác với cách gọi tên khác nhau. Chẳng hạn, giới chức và các doanh nhân Trung Quốc từ lâu được cho là luôn tìm kiếm, thậm chí chi rất nhiều tiền, để mua thông tin cá nhân của đối thủ nhằm tìm cách hạ thấp uy tín họ.
Một trong những nhân vật gây ồn ào với chiêu thức này là Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh nay đang thi hành án tù giam vì cáo buộc "tham nhũng". Ông Bạc bị cáo buộc đã tìm cách nghe lén các cuộc gọi của chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào, và mở chiến dịch theo dõi, thu thập thông tin của những lãnh đạo quyền lực khác nhằm phục vụ cho tham vọng chính trị của mình.
Mục đích tấn công, nội dung mà Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ bị đánh cắp và bị công bố hoàn toàn theo một kịch bản tương tự. Tuy nhiên, sự việc chỉ khác ở chỗ nó diễn ra ở bình diện quốc tế, khi nhóm tin tặc một nước muốn chống lại thể chế chính trị của một nước khác.
Tương lai khó đoán của những vụ tin tặc
Lịch sử đã chứng kiến rất nhiều trường hợp các quốc gia, bao gồm Mỹ, cố tình can thiệp vào quá trình bầu cử ở một nước khác. Mục đích của những hành động này không còn là điều xa lạ, tuy nhiên, phương pháp, công nghệ và những hậu quả phát sinh là điều khiến các nước luôn phải cảnh giác.
Chẳng hạn, vụ rò rỉ thư từ của DNC cho thấy các thông tin này không cần phải là những điều trái luật, nhưng cũng đủ gây ra hậu quả lớn. Chủ tịch đảng Dân chủ Debbie Wasserman Schultz phải từ chức sau khi bà và nhiều lãnh đạo đảng khác bị phơi bày là đã thiên vị trong mùa bầu cử sơ bộ.
Chủ tịch đảng Dân chủ phải từ chức vì các thông tin bị công bố cho thấy bà đã thiên vị và gây sức ép lên ông Bernie Sanders. Ảnh: AP |
Qua đó, vụ tấn công dấy lên nỗi lo ngại rằng hầu như bất kỳ ai sử dụng email hoặc mạng xã hội đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ tin tặc. Vụ tấn công DNC cũng có thể khuyến khích những tin tặc nước ngoài khác, các tổ chức tư nhân hoặc được nhà nước bảo hộ.
Do sự phát triển của công nghệ khiến những vụ đánh cắp thông tin diễn ra dễ dàng hơn, đặc biệt là nếu nhằm vào những mục tiêu phi nhà nước, hoặc những cá nhân không có hệ thống bảo mật an ninh đủ mạnh.
Adam Segal, nhà nghiên cứu về an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nói: "Trong quá khứ, một trong những chiêu bài để hạ gục đối thủ là đặt 'bẫy tình' và chụp lại những khoảnh khắc sa ngã của họ. Nhưng hiện nay, tin tặc có thể dễ dàng xâm nhập vào email và tìm kiếm các thông tin như vậy. Những chuyện nhạy cảm thế này sẽ khiến người ta cảm thấy rất xấu hổ và mất uy tín nếu bị phơi bày".
Lo ngại tin tặc can thiệp tình hình quốc gia
Sau các mạng lưới máy tính của đảng Dân chủ, đến lượt hệ thống máy tính thuộc đội ngũ tranh cử của bà Hillary Clinton cũng bị tấn công. TheoReuters, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp xác nhận đang điều tra vụ việc. Các chuyên gia tư nhân phát hiện vụ xâm nhập và cho rằng nó tương tự với cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức của đảng Dân chủ Mỹ thời gian qua.
Tổng thống Obama từng chỉ trích đích danh tin tặc Triều Tiên đã tấn công hệ thống máy tính của hãng phim Sony hồi năm 2014. Ảnh: AP |
Bên cạnh những mục tiêu truyền thống như máy tính cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp, giới quan sát nhận định các nhóm tin tặc có thể muốn mở rộng lãnh địa sang khu vực ngoại giao; bằng việc áp dụng những biện pháp mới nhưng không gây ra hậu quả quá nghiêm trọng, nhằm can thiệp vào vấn đề nội bộ một bên. Việc đánh cắp và "vũ khí hóa" thông tin được xem là cách làm không tốn kém và đối phương khó chống đỡ, nên chúng được xem là một biện pháp hấp dẫn.
Tuy nhiên, mục đích quan trọng của những hacker này chính là khiến tình hình thế giới trở nên biến động hơn. Các bên cũng khó mà quy trách nhiệm cụ thể cho một quốc gia, vì nó sẽ dẫn đến rủi ro trừng phạt sai người, hoặc nếu phản ứng quá gay gắt thì có thể dẫn đến căng thẳng leo thang.
Việc xử lý những vụ tấn công vượt ra ngoài khả năng của cơ quan hành pháp, cũng như những tiêu chuẩn thông thường về việc một nước can dự vào tình hình nước khác như thế nào. Việc phòng ngừa tin tặc cũng là điều cam go, trong khi không thể biết được giới hạn của những kẻ đánh cắp, nên việc xác định kịch bản hậu quả cũng là điều khó lường.
Theo Minh Anh (Zing.vn)