Vào cuối những năm 1950 đầu 1960, khi Liên Xô và Mỹ đang trong cuộc chạy đua chinh phục không gian, cả hai đã đầu tư mạnh vào công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhất là về công nghệ tên lửa.
Tại thời điểm đó, nhà vật lý hạt nhân R. Maynard cùng người bạn A. Bilem đã nuôi tham vọng chế tạo một vũ khí cá nhân mang tính cách mạng khi nghĩ tới việc sử dụng công nghệ tên lửa. Qua nhiều nghiên cứu thử nghiệm, tới năm 1965, họ đã chứng minh tính khả thi của dự án Gyrojet - một loại máy phóng tên lửa đa năng cầm tay dạng súng.
Súng ngắn Gyrojet Mk I |
Thiết kế
Gyrojet được sản xuất với 3 phiên bản súng ngắn, súng trường và carbine. Theo quảng cáo, nó có khả năng bắn dưới nước, độ giật thấp, trọng lượng nhẹ và tiếng nổ nhỏ (chỉ tạo ra một tiếng "rít" đặc trưng).
Điều làm nên sự đặc biệt của loại súng này là nó không sử dụng đạn thông thường mà bắn ra các quả tên lửa nhỏ bằng việc tận dụng áp lực thuốc phóng được nén vào trong vỏ đạn để đẩy viên đạn đến mục tiêu theo nguyên tắc phản lực.
Sơ tốc đạn khi mới ra khỏi nòng chỉ khoảng 30 m/s và tăng dần trên quỹ đạo, đến cự ly 20 m vận tốc đã lên tới 380 m/s, nhờ vậy mà súng có lực giật nhỏ để xạ thủ ngắm chuẩn xác hơn nếu phải bắn nhiều phát liên tiếp.
Đạn tên lửa cỡ 13 x 50 mm dùng cho các loại Gyrojet |
Gyrojet phần lớn được chế tạo từ hợp kim nhôm với trọng lượng nhẹ chỉ 620 g, hộp tiếp đạn chứa 6 quả tên lửa cỡ 13 x 50 mm của Gyrojet không thể tháo rời, vì vậy đạn được nhét vào lần lượt từng viên hoặc bằng kẹp tương tự như những khẩu súng trường Mosin Nagant.
Thất bại của dự án Gyrojet
Gyrojet thực chất là một máy phóng tên lửa mini có thể sử dụng như một loại súng thông thường. Tuy vậy vũ khí này không được Quân đội Mỹ chấp thuận, lý do là bởi khẩu súng tuy rất đơn giản, gọn nhẹ nhưng đạn lại quá phức tạp và không phổ biến.
Súng không có độ tin cậy như các khẩu súng khác, với 1% số phát bắn thất bại ngay cả khi hoạt động trong môi trường lý tưởng. Bên cạnh đó, tốc độ bắn bị nhận xét là quá chậm, thậm chí phiên bản súng trường hay carbine cũng không cải thiện được điều này.
Ngoài ra độ chính xác của Gyrojet rất kém do nòng súng không duy trì đủ ổn định cho viên đạn trong giai đoạn đầu của quỹ đạo; hầu như vô dụng đối với mục tiêu ở cự ly gần; các lỗ thoát khí trên nòng súng quá to, dễ bị bùn đất, côn trùng xâm nhập gây hỏng hóc.
Mặc dù khẩu súng này đã được bán rộng rãi ở Mỹ, nhưng đa số khách hàng chỉ mua nó do tò mò chứ không phải vì tính năng. Một số sĩ quan Mỹ đã bỏ tiền túi ra mua Gyrojet để sử dụng, nhưng kết quả cho thấy nó chẳng tốt hơn khẩu M1911 (quỹ đạo đạn không được thẳng cho lắm).
3 phiên bản súng ngắn, carbine và súng trường Gyrojet |
Mẫu súng bắn tên lửa này nhanh chóng bị lãng quên, nhà sản xuất - Công ty Associates cũng không cho ra đời những phiên bản lớn hơn như dự kiến. Ngày nay Gyrojet chỉ có thể tìm thấy ở các viện bảo tàng hay trong bộ sưu tập của các tay chơi vũ khí.
Tuy vậy, Gyrojet vẫn có vị thế trong lịch sử phát triển vũ khí cá nhân của Mỹ nhờ ý tưởng mang tính đột phá, đạt được một số thành tựu bao gồm giảm tiếng ồn, bắn được dưới nước, hỏa lực tương đối cao...
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học máy tính cùng với những phương tiện gia công tiên tiến, không loại trừ khả năng ý tưởng súng bắn đạn phản lực sẽ được tái sinh trong tương lai gần.
Theo Trọng Tâm (Trí Thức Trẻ)